Quan tâm đến người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Bùi Huyền Mai báo cáo về kết quả hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động Thủ đô. Theo đó, LĐLĐ TP Hà Nội hiện đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ TP với tổng số 8.923 Công đoàn cơ sở và 611.903 đoàn viên.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Công đoàn Thủ đô phối hợp với DN xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo duy trì đời sống, việc làm cho công nhân lao động trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tham gia xây dựng phương án chi trả quyền lợi cho công nhân lao động bị ngừng việc, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các cấp Công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho 61.971 trường hợp công nhân, viên chức, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Trong đó, LĐLĐ TP trích từ nguồn ngân sách Công đoàn TP và “Quỹ Xã hội Công đoàn” hỗ trợ 3.226 trường hợp.
LĐLĐ TP đã ban hành các Văn bản chỉ đạo tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống và ứng phó các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh việc mỗi cấp Công đoàn, mỗi cán bộ công đoàn phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc” nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân, công nhân lao động và cộng đồng xã hội. Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, song LĐLĐ TP vẫn triển khai các hoạt động “Tháng Công nhân” năm 2020 và phát động các phong trào thi đua yêu nước đạt hiệu quả.
Trong dịp Tết, các cấp Công đoàn Thủ đô chi trên 50 tỷ đồng, hỗ trợ trên 95.000 vé xe ô tô miễn phí, trao trên 75.000 suất quà chăm lo cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trong thời gian tới, Chủ tịch LĐLĐ TP Bùi Huyền Mai cho biết, Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, đặc biệt là theo dõi tình hình quan hệ lao động, công nhân lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh và chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ chăm lo công nhân lao động từ nguồn tài chính Công đoàn.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động. Chỉ đạo các cấp Công đoàn hưởng ứng đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Quan tâm đến các thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp
Tại buổi gặp gỡ, một số cán bộ Công đoàn Thủ đô đã trình bày và kiến nghị một số nội dung với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Chủ tịch Công đoàn Viên chức TP Phạm Bá Vĩnh đề nghị sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động mới sửa đổi, bổ sung để đảm bảo sự đồng bộ khi thực hiện. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể trong mô tả vị trí việc làm, xây dựng khung năng lực vị trí việc làm và việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức.
Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cũng đề xuất quan tâm, sớm hoàn thiện các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp, tạo sự ổn định trong đời sống của công nhân lao động.
Chủ tịch LĐLĐ Thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bổ sung số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cấp huyện, có chính sách và chế tài đủ mạnh để quan tâm, bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở để tạo thuận lợi cho việc đấu tranh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động.
Công đoàn Thủ đô là điểm tựa của phong trào công nhân cả nước
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến cán bộ Công đoàn cũng như người lao động Thủ đô nhân dịp Ngày truyền thống Công đoàn Việt Nam.
Ôn lại những truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức ngày càng phát triển, rèn luyện giai cấp công nhân Việt Nam, đóng góp rất quan trọng vào các thành tựu của cách mạng Việt Nam.
“Trong thời kỳ đổi mới, những tư tưởng về giai cấp công nhân Việt Nam, về công tác công vận vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Do đó, mỗi chúng ta cần làm tốt công tác vận động công nhân trong tình hình mới” - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.
Qua các phát biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội biểu dương và đánh giá cao những cống hiến của tổ chức Công đoàn Thủ đô, đồng thời khẳng định Công đoàn Thủ đô là nòng cốt và là điểm tựa của phong trào công nhân cả nước. Công đoàn và công nhân lao động TP đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như cả nước. Hoạt động của Công đoàn Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo của T.Ư và TP, triển khai các hoạt động một cách đổi mới, sáng tạo, theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên.
Trong thời điểm này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc Hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cấp Công đoàn TP Hà Nội cần làm tốt công tác nắm tình hình công nhân lao động từ việc thực hiện chế độ chính sách cho đến tâm tư, tình cảm, đặc biệt là nắm chắc quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tránh xảy ra tình trạng đình công. Đây là cả một nghệ thuật trong hoạt động công đoàn trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị LĐLĐ TP tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Phối hợp với Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm việc giám sát thực hiện các chính sách về thiết chế văn hóa, khu nhà ở cho công nhân lao động, nhất là các khu công nghiệp, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả. Ngoài ra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo tổ chức và người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chụp hình lưu niệm cùng Đoàn cán bộ chủ chốt Công đoàn Thủ đô. |
Công đoàn TP Hà Nội tiếp tục tham mưu thực hiện tốt các chương trình của Thành ủy và Tổng LĐLĐ Việt Nam, cụ thể hóa những chủ trương, hoàn thiện chính sách đối với người lao động. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao kiến thức luật pháp cho người lao động, nhất là các nội dung của các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới. Vận động người lao động tích cực thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Kịp thời tôn vinh và biểu dương những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, nhất là lao động, sáng kiến, sáng tạo.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị công đoàn các cấp Thủ đô cần nâng cao năng lực của tổ chức Công đoàn, nhất là về năng lực tập hợp, đối thoại, quan tâm hơn nữa xây dựng tổ chức bộ máy. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam nên chọn LĐLĐ TP Hà Nội làm điểm các chuyên đề về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân lao động; việc thực hiện Luật Công đoàn; về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động,…để xây dựng tổ chức Công đoàn thực sự vững mạnh, bảo vệ công nhân lao động.