Mục tiêu của kế hoạch là quản lý được chuột gây hại ở Cần Thơ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra trên các loại cây trồng, đảm bảo sản xuất thắng lợi.
Tổng số tiền thực hiện kế hoạch là gần 30 tỷ đồng cho 5 năm từ 2021-2025. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách thành phố, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Về nội dung thực hiện, đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc. Đối với diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 bẫy chuột/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142ha.
Ngoài ra, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Theo đó, hỗ trợ 1.125kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625kg thuốc sinh học.
Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống chuột gây hại trên cây trồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, in poster, tài liệu, đăng báo và tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo. Hằng năm sẽ tổ chức hội nghị triển khai và tổng kết để đánh giá tình hình thực hiện và đề ra nhiệm vụ năm tiếp theo.
Thông tin với báo chí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho rằng, kế hoạch trên "chỉ mang tính tương đối", là kế hoạch 5 năm nhưng ở từng năm sẽ có kế hoạch riêng, gắn với điều kiện thực tế cụ thể.
Mặt khác, khi triển khai kế hoạch phải đảm bảo lồng ghép với các chương trình, dự án khác. “Kế hoạch này độc lập nhưng sẽ lồng ghép khi triển khai thực hiện. Và quan trọng hơn hết nó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức của người dân” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nói.
Được biết, thời gian gần đây, tình trạng chuột gây hại mùa màng tương đối phức tạp hơn trước nên cũng là lý do để ra đời kế hoạch nói trên. Tuy nhiên, theo nhiều bà con nông dân thì họ đã quen và chủ động trong việc phòng chống, không còn lo ngại nhiều như trước và cũng không cần phải tập huấn về “kỹ thuật” diệt chuột…