Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: Chúng tôi sẽ đề xuất mức tăng lương tối thiểu phù hợp!

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 14/6, Hội đồng tiền lương quốc gia đang tổ chức phiên họp thứ nhất về phương án tiền lương tối thiểu vùng lần thứ nhất. Trao đổi với báo chí trước phiên họp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho biết: Các hiệp hội DN đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng.

Thưa ông, đến với Hội đồng tiền lương quốc gia hôm nay ông có kỳ vọng gì?
- Chúng tôi luôn kỳ vọng vào các chương trình đàm phán đều có kết quả tốt đẹp để đi đến thống nhất chung, đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế cũng như sự phát triển của DN và với mục tiêu cao cả là đảm bảo đời sống của người lao động (NLĐ) và duy trì việc làm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công.
 Hội đồng tiền lương quốc gia đang họp phiên đầu tiên. Ảnh Thủy Trúc
Có những ý kiến chuyên gia lao động cho rằng lương tối thiểu vùng 2020 phải tăng tới 5% mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu như Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã nói. Ông có ý kiến gì?
- Đó là sự phân tích của các cơ quan khác nhau. Thực tế đến bây giờ bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia công bố thì lương tối thiểu đáp ứng được trên 95% mức sống tối thiểu theo các chỉ số đánh giá của họ. Nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, tất cả con số đưa ra rất trừu tượng. Tuy nhiên, tôi khẳng định, đa phần các DN đã chi trả mức lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu đã được công bố. Do vậy tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng đến chi phí của các DN.
Tuy nhiên, vì tình hình kinh tế xã hội có khởi sắc, nhu cầu tăng lương và mong muốn của cơ quan quản lý và NLĐ thì tăng lương là đòi hỏi chính đáng. Cho nên Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ đàm phán để có tiếng nói chung thông qua vấn đề này.
Các kỳ họp tiền lương tối thiểu luôn gây tranh cãi rất quyết liệt. Làm sao để có tiếng nói chung về mức sống tối thiểu để đưa ra con số chính xác, thưa ông?
- Đó là thương lượng, trao đi đổi lại trên cơ sở nghiên cứu, phân tích của các cơ quan khác nhau như Tổng cục thống kê, Viện nghiên cứu của Tổng liên đoàn, VCCI và các viện khác về điều kiện sống, mức sống, năng lực cụ thể của DN. Chỉ biết rằng lương tăng thì phải tương thích với năng suất lao động, những điều kiện sống, chỉ số giá tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta trong những năm vừa qua đều ở mức dưới 4%, năng suất lao động trên dưới 3 - 5% và các cái khác nữa. Cho nên chúng tôi cho rằng tăng lương thì đáp ứng được yêu cầu kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của DN và mong muốn nâng cao hơn đời sống của NLĐ. Đó là những cái đích chúng ta phải hoàn thành.
Việc chi trả lương những năm qua đã cao hơn nhiều so với mức tối thiểu, tuy nhiên vì một số điều kiện nên cần có những điều chỉnh. Theo đề nghị của các Hiệp hội DN không nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Như tôi đã phân tích ở trên, DN muốn dành dư địa cho các thương lượng tập thể như: Thưởng, làm thêm, cải tiến kỹ thuật. Chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ và đưa ra mức đề xuất phù hợp.
Không thể không tăng nhưng tỷ lệ như thế nào để đảm bảo khả năng chi trả cũng như bảo đảm khả năng cạnh tranh của DN.
Để đáp ứng Nghị quyết 27 yêu cầu đến năm 2020 lương tối thiểu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ thì chúng tôi đang phân tích những dữ liệu cụ thể. Thực tế, DN đã chi trả cao hơn mức lương tối thiểu. Cho nên, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu cũng phải căn cứ đến những khả năng để phát triển DN. Hiện nay, cứ 3 DN ra đời thì hơn 2 DN không thể tồn tại.
Xin cảm ơn ông!