tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành giao thông vận tải (GTVT), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu những nhiệm vụ cụ thể để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, trong năm 2016, tuy gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn vốn đầu tư hạn chế, nhưng ngành đã thu được những kết quả rất quan trọng.
Về phát triển hạ tầng, đến nay đã xây dựng trên 700 km đường bộ cao tốc, nhiều tuyến quốc lộ, nhiều công trình cầu lớn; tập trung đầu tư các cảng cửa ngõ quốc tế; nâng cao năng lực một số cảng hàng không; tập trung phát triển giao thông đô thị; thực hiện có hiệu quả phát triển giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; triển khai tốt đề án xây dựng cầu dân sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, năm 2016, ngành GTVT đã có rất nhiều hành động cụ thể tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ đã chủ động đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng hàng không; tổ chức nhiều cuộc làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, hiệp hội... để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Bộ cũng đã hoàn thành tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, đề án trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành; đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách để giải quyết có hiệu quả những vấn đề được dư luận quan tâm như quản lý vận tải đường bộ, rà soát các dự án BOT, cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong phát triển hạ tầng… Theo thống kê, Bộ GTVT đã hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được nâng lên. Đã bước đầu tạo ra sự kết nối giữa các trung tâm kinh tế, các khu vực sản xuất; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; nâng cao sản lượng vận tải, tạo thuận lợi cho người dân, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của các vùng miền, các địa phương. Sản lượng vận tải năm 2016 đã tăng trưởng vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, ước đạt 1.275,35 triệu tấn hàng hóa và 3.620,54 triệu lượt hành khách, tăng 10,6% về tấn vận chuyển và tăng 9,6% về hành khách vận chuyển so với năm 2015.
Trong năm 2016, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông đã thu được những kết quả quan trọng. Thống kê cho thấy, năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. So với năm 2015, giảm 1.261 vụ (giảm 5,52%), giảm 43 người chết (giảm 0,49%), giảm 1.792 người bị thương (giảm 8,5%)
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, biểu dương những thành tích mà ngành GTVT đạt được trong năm qua.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ những điểm còn hạn chế mà ngành GTVT cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
“Công tác xây dựng thể chế đã có nhiều kết quả, nhưng chất lượng một số luật, nghị định, thông tư... chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn. Vẫn còn tình trạng vừa thiếu quy định, vừa chồng chéo, gây khó khăn trong thực thi ở một số khâu, lĩnh vực”, Phó Thủ tướng nói.
Ghi nhận những kết quả nổi bật trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng vẫn tồn tại những bất cập về chiến lược, quy hoạch về giao thông.
“Còn thực tế là cảng hàng không vừa xây xong đã quá tải. Rõ ràng công tác dự báo, lập quy hoạch không chính xác”, Phó Thủ tướng nói.
“Sự kết nối giữa các phương thức, loại hình vận tải, các hệ thống hạ tầng chưa tốt, do đó giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế. Trong khi đó, vốn cho giao thông, đặc biệt là từ nguồn ngân sách sẽ ngày càng khó khăn. Đây là thách thức rất lớn mà ngành GTVT cần phải vượt qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu vấn đề bức xúc hiện nay là ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt ở các đô thị lớn, đòi hỏi không chỉ ngành GTVT mà cả các bộ, ngành liên quan phải cùng nhau có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực hiệu quả
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về GTVT, thực hiện xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ kiến tạo phát triển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần rà soát lại để bổ sung những nội dung còn thiếu, xử lý chồng chéo. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù đối với ngành GTVT trong thực hiện các dự án trọng điểm vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật vừa phù hợp với thực tiễn; xây dựng cơ chế huy động hiệu quả các nguồn lực cho phát triển.
“Phải xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch làm cơ sở hoạch định chính sách, cân đối nguồn lực”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Trong quản lý vận tải, dịch vụ vận tải, Phó Thủ tướng đề nghị cần tái cấu trúc lại, hướng đến việc kết hợp một cách hài hoà các phương thức vận tải, đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành GTVT phối hợp chặt chẽ với ngành xây dựng, với các thành phố lớn để xây dựng các giải pháp đồng bộ giảm ùn tắc.
“Một mình Bộ hay địa phương thì không thể thực hiện được, chỉ tổ chức giao thông thì chưa đủ mà cần phải có giải pháp tổng thể nhằm giảm mật độ dân ở vùng lõi của các đô thị, do đó cần các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hoá-xã hội… để dịch chuyển dân số ra các đô thị vệ tinh, thành phố vệ tinh”, Phó Thủ tướng phân tích.
Ưu tiên nguồn lực phát triển những công trình quan trọng
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, phải khẩn trương hoàn thành, điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không. Phải quy hoạch tổng thể, tập trung quy hoạch, mở rộng, nâng cấp cảng hàng không theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, nhưng trước hết, phải khẩn trương có các giải pháp giải quyết ùn tắc “cả trên trời, dưới mặt đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất.
“Yêu cầu ngày 15/1 báo cáo quy hoạch mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Phải làm thêm đường lăn, nhà ga, sắp xếp lại khu vực sân đỗ, đầu tư thêm các hệ thống giao thông kết nối ra bên ngoài. Về nguồn vốn, phải xác định dùng vốn xã hội là chính, chỉ đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước với các công trình hạ tầng chính như đường lăn, sân đỗ. Các công trình nhà ga, phụ trợ dùng vốn xã hội hóa. Mục tiêu là quý III/2017 phải đưa vào sử dụng một số hạng mục chính, hoàn thành trong năm 2018”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực đường bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc-Nam để báo cáo, xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017).
“Nếu được Quốc hội thông qua, phải có giải pháp để triển khai sớm các đoạn, tuyến chính như Ninh Bình-Thanh Hoá, Thanh Hoá-Nghệ An, Dầu Dây-Phan Thiết-Nha Trang”, Phó Thủ tướng nói.
Trong lĩnh vực đường sắt, Phó Thủ tướng đề nghị rà soát lại quy hoạch, hoàn thành báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao để có thể báo cáo Quốc hội trong năm 2018, từ đó thu xếp vốn đầu tư các đoạn đường ưu tiên trong năm 2030. Đối với tuyến đường sắt hiện nay, cần có kế hoạch nâng cấp nhưng phải tính toán kỹ, đầu tư từng bước để tiết kiệm vốn, bảo đảm hiệu quả.
Đối với giao thông đường thủy và đường biển, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đầu tư phát triển cảng cửa ngõ Lạch Huyện, Cái Mép, các cảng chuyên dùng; phát triển đường thủy nội địa, giảm áp lực cho đường bộ. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư các công trình kết nối đồng bộ với các cảng biển, khu công nghiệp.