Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: EVN cần tái cấu trúc để cạnh tranh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 4/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 cho biết, Tập đoàn và các đơn vị đã đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của nhân dân và các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, đặc biệt đã cấp điện an toàn ổn định cho Hội nghị cấp cao APEC 2017. Năm qua, điện sản xuất và mua toàn Tập đoàn ước đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016. Điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016. Doanh thu bán điện toàn Tập đoàn năm 2017 ước đạt 289.250 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2016. EVN đã bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến cuối năm 2017 là 707.270 tỷ đồng (tăng 15.053 tỷ đồng so với năm 2016); giá trị nộp ngân sách năm 2017 đạt 15.870 tỷ đồng.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
Công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục có chuyển biến tốt. EVN và các đơn vị rất nỗ lực trong công tác kinh doanh, nâng cao chất lượng các dịch vụ điện. Đến cuối năm 2017, 100% các dịch vụ về điện của EVN có thể thực hiện trực tuyến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng. Theo đánh giá của Doing Business, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam có bước đột phá, tăng 32 bậc so với năm 2016 và đứng thứ 64/190 quốc gia/nền kinh tế (tính từ năm 2013 tăng 92 bậc).
Năm qua, Tập đoàn đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân đối tài chính toàn Tập đoàn. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 293.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện là 289.250 tỷ đồng (tăng 8,94% so với năm 2016). Các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã thực hiện nghiêm Chỉ thị tiết kiệm phòng chống lãng phí nên đã tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh được 1.255 tỷ đồng (tương đương 7,5% chi phí định mức).
Năm 2018, EVN tiếp tục đặt mục tiêu đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân với chất lượng điện và dịch vụ khách hàng ngày càng được nâng cao... Trong đó mục tiêu điện sản xuất và mua đạt 210,49 tỷ kWh tăng 9,38% so với năm 2017 và sẵn sàng chuẩn bị đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn. Điện thương phẩm đạt 190,54 tỷ kWh tăng 9,5% so với năm 2017; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 7,2% giảm 0,27% so với năm 2017; chỉ số tiếp cận điện năng phấn đấu xếp hạng ít nhất từ 60/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới...
 Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Khắc Kiên
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương và chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà EVN đã đạt được, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước trong năm qua.
Phó Thủ tướng khẳng định, ngành điện vừa là ngành sản xuất, vừa là ngành phục vụ nên vừa tạo ra tăng trưởng trực tiếp, tạo ra đóng góp cho ngành điện nhưng cũng tạo ra giá trị thứ cấp; EVN đã đưa chỉ số tiếp cận điện năng tăng 32 bậc, đây là sự nỗ lực cố gắng rất lớn của ngành. Đặc biệt ngành điện cũng đã tập trung ứng phó, khắc phục sự cố do ảnh hưởng của thiên tai, đảm bảo điện cho sản xuất, sinh hoạt; cung cấp đủ điện cho vùng nông thôn, miền núi; hoàn thành việc tiếp nhận quản lý, vận hành hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
 Tặng Cờ thi đua Chính phủ, Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, thách thức cần sớm khắc khục trong thời gian tới. Đồng thòi đề nghị cần mau chóng chuyển sang các nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường nhưng vẫn đảm bảo giá thành hợp lý để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và trong khả năng chi trả.
“Để đạt được mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa đến năm 2020, phát triển điện phải đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Nhiệm vụ này đặt ra Tập đoàn vừa phải đầu tư, tái đầu tư; vừa tái cấu trúc lại hệ thống, tái cấu trúc doanh nghiệp để quản lý tốt hơn, cạnh tranh hơn...”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Theo khảo sát đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng về chất lượng cung cấp dịch vụ điện là 69%, xếp thứ 2 trong các chỉ số cơ sở hạ tầng, sau dịch vụ điện thoại. Hoạt động thuê tư vấn độc lập đánh giá độ hài lòng của khách hàng tiếp tục được duy trì, điểm đánh giá năm sau đều tăng so năm trước, trong đó: Mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện đạt 7,97 điểm, tăng 0,28 điểm so với năm 2016; Mức độ hài lòng của khách hàng đối với các trung tâm CSKH đạt 8,11 điểm.