Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: Lạng Sơn cần tích cực xúc tiến thương mại biên giới

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với tỉnh Lạng Sơn về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Phát biểu tại cuộc làm việc sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình biểu dương, đánh giá cao những kết quả to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đạt được trong thời gian qua.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm việc với tỉnh Lạng Sơn

Về nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Lạng Sơn tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm lớn, trước hết là triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2017 của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVI và Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2017, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, tỉnh Lạng Sơn cần tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, xúc tiến thương mại biên giới, phát triển thị trường và thu hút đầu tư FDI chất lượng cao, công nghệ cao; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, tỉnh cần kêu gọi đầu tư, phát triển mạnh mẽ kinh tế du lịch với các thắng cảnh, di tích nổi tiếng như khu du lịch Mẫu Sơn, từng bước tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách để Lạng Sơn phát triển với các giải pháp hết sức quyết liệt, phát huy vai trò của cấp uỷ và người đứng đầu. Cấp uỷ, chính quyền cần nỗ lực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, phát triển để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Tập trung khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Năm 2017, phấn đấu thành lập thêm 500 doanh nghiệp, đến năm 2020 có khoảng 3.700 doanh nghiệp (hiện nay là 2.300 doanh nghiệp).

Theo đó, triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng và dịch vụ du lịch. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn tiếp tục tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo công tác tiếp công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc).

Tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn khu vực biên giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh vững chắc.

“Đặc biệt, các lực lượng chức năng phải kiểm soát chặt chẽ các đường mòn lối mở để ngăn chặn không để gia cầm không rõ nguồn gốc nhập lậu vào nội địa, nhất là tình hình cúm H7N9 đang bùng phát hiện nay”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.