Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những phong trào về văn hoá đã có từ lâu, liên quan đến mọi người, mọi ngành nhưng nếu không chú ý thì ai cũng tưởng là việc của người khác, ngành khác, khó đo đếm định lượng. Do vậy, trong năm 2019, các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề xuất những việc cụ thể để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến. Đặc biệt là phải đánh giá, định lượng cụ thể từng phong trào, cuộc vận động, có khen, chê, có khen thưởng, khắc phục kịp thời.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Có những hành vi, thái độ ứng xử hàng ngày, thói quen dù rất nhỏ nhưng ẩn sau đó cũng là nét văn hoá, đạo đức. Ví dụ như không xả rác bừa bãi nơi công cộng, vứt rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy khi xếp hàng… không đơn thuần là hành vi ứng xử mà còn thể hiện trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, sự tôn trọng người khác”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết năm 2019 là dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác có viết: “Đảng cần có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”. Điều đó cho thấy trách nhiệm của Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải được tăng cường hơn nữa, tiếp tục khắc phục các hạn chế trong quá trình chỉ đạo các phong trào liên quan đến văn hoá như: Không có công cụ đo đếm, lượng hoá, không gắn với cơ chế chính sách, chế tài xử lý, đánh giá thi đua...
Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, lựa chọn một số việc, đổi mới cách làm. Trước hết, việc thực hiện các quy định, tiêu chí mới về công nhận gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, đơn vị văn hóa… theo đúng tinh thần “bớt bệnh hình thức như số liệu báo cáo không đo đếm, kiểm chứng được, danh hiệu có cũng được, không có cũng không sao”.
Các danh hiệu văn hoá phải thuyết phục. Một gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có nghĩa là đã thực hiện tốt mọi phong trào, cuộc vận động ở địa phương như khuyến học, giữ gìn vệ sinh môi trường, hoạt động văn hoá thể thao, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn… chứ không chỉ hoàn thành 1-2 tiêu chí thành phần.
“Chúng ta không chỉ vận động đơn thuần mà cần đồng bộ với các văn bản, quy định, chế tài của nhà nước và vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nêu ra một số việc để các thành viên Ban Chỉ đạo xem xét, góp ý triển khai.
Trước hết là phát động phong trào giáo dục văn hoá cho học sinh trong trường học từ những hành vi cụ thể như xếp hàng, tập luyện thể dục thể thao, ý thức tham gia giao thông, vứt rác đúng nơi quy định…
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, báo chí, vận động người dân thực hiện một số hành vi ứng xử đời sống hàng ngày. Qua đó từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, thể hiện văn hoá của người Việt Nam, phù hợp với ứng xử văn minh trên thế giới.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương mở chuyên mục về người tốt, việc tốt cùng một số hành vi văn hóa, không văn hoá được phân tích dưới góc độ văn hoá của các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá. Các bài viết này khi được tập hợp thành “kho dữ liệu” sẽ giúp mọi người xem xét, soi chiếu vào những hành vi trong cuộc sống hàng ngày, phân định được thế nào là tốt, thế nào là xấu.
“Chúng ta nên xem xét làm sao để khơi dậy trong mỗi người dân ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tinh thần tiết kiệm, tôn trọng sự khác biệt, để ứng xử đúng đắn trước những hiện tượng trong đời sống xã hội. Không để những việc làm tử tế, bình dị không bị coi là bất thường. Nhân rộng những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu, hiện tượng tiêu cực”, Phó Thủ tướng mong muốn.