Báo cáo với Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Cần Thơ cho biết, từ ngày 5-18/11, Cần Thơ ghi nhận 6.027 F0. TP liên tục ghi nhận ổ dịch mới tại một số hẻm, khu vực dông dân cư, công ty… Trong 14 ngày qua, Cần Thơ đã xét nghiệm nhanh gần 80.000 lượt, xét nghiệm PCR trên 93.000 người.
Các cơ sở y tế của TP Cần Thơ đang điều trị cho 2.691 F0, trong đó không triệu chứng và nhẹ là 1.637 ca, triệu chứng trung bình là 855 ca, triệu chứng nặng và rất nặng là 333 ca.
Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết TP đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 1 cho 95% người trên 18 tuổi, mũi 2 đạt 38%. Với 500.000 liều vaccine mới được bổ sung, trong 3 ngày tới, Cần Thơ sẽ tiêm phủ mũi 2 đạt khoảng 80% số người trên 18 tuổi.
TP Cần Thơ hiện còn tồn tại một số vấn đề trong công tác phòng chống dịch như: khi số lượng F0 tăng quá cao gây áp lực lên các cơ sở y tế, thiếu một số loại thuốc điều trị, trang thiết bị. Cách thức tổ chức lực lượng y tế, trạm y tế lưu động chưa phù hợp với yêu cầu tình hình mới, thiếu nhân lực, trang thiết bị chăm sóc y tế ban đầu. Việc tổ chức điều trị F0, cách ly F1 tại nhà còn một số lúng túng, nhất là phát hiện sớm các trường hợp trở nặng nhanh.
Từ đó, lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân viên y tế cơ sở để thực hiện phân loại F0, chỉ định thuốc kháng đông, kháng viêm; bổ sung thuốc kháng virus Molnupiravir (tương đương 10.000 liều); phối hợp chuyển tuyến các bệnh nhân nặng…
Để bảo đảm không thiếu các loại thuốc điều trị như kháng đông, kháng viêm, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP Cần Thơ cần thống nhất và ra quyết định để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sớm mua sắm trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực.
Trong công tác điều trị F0 tại nhà, Cần Thơ cần thiết lập hệ thống theo dõi y tế, kích hoạt mạng lưới “thầy thuốc đồng hành” để thăm khám F0 qua mạng kết hợp với chăm sóc y tế tại chỗ. Việc thiết lập các trạm y tế lưu động căn cứ trên tình hình dịch bệnh của các xã, phường để bảo đảm giám sát y tế đến từng người dân ngay tại nơi ở.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ phải cảnh giác, không để dịch lây lan nhanh vượt khả năng điều trị của ngành y tế, tăng cường giám sát dịch tễ, khi phát sinh ổ dịch thì khoanh gọn, xét nghiệm thật nhanh, ngăn chặn lan rộng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm quản lý chặt chẽ người từ nơi khác đến
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng cùng tổ công tác cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về công tác phòng chống dịch.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh cho biết, từ ngày 5-18/11, Đồng Tháp ghi nhận trung bình 41,72 F0 cộng đồng trên 100.000 người mỗi tuần. Số F0 đang điều trị là 4.152 ca, trong đó có 3.988 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (chiếm 96%), triệu chứng trung bình là 84 ca, triệu chứng nặng và rất nặng là 80 ca.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, thực tế điều trị F0 tại địa phương cho thấy đối với các loại thuốc kháng đông, kháng viêm cần có chỉ định của bác sĩ, còn đối với thuốc kháng vi rút Molnupiravir, nếu cho điều trị sớm thì tỉ lệ có dấu hiệu chuyển nặng rất thấp. Vì vậy, Đồng Tháp kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm thuốc Molnupiravir để điều trị sớm cho các ca mắc mới.
Đồng Tháp đã tiêm vaccine mũi 1 cho 1,1 triệu người trên 18 tuổi (đạt 87%), mũi 2 đạt trên 718.000 người (56%). Từ ngày 13/11, Đồng Tháp tiêm mũi 1 cho 53.370 người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng cho biết ĐBSCL là khu vực có nguy cơ dịch bệnh rất cao. Vì vậy, phải tổng lực tiêm vaccine nhanh nhất có thể. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Đồng Tháp lên kế hoạch tiêm vaccine nhanh và không phân biệt nhóm đối tượng, độ tuổi đối với người trên 18 tuổi. Kế hoạch phải cụ thể từng ngày, gọn từng khu vực, trước hết ở những nơi có nguy cơ cao. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm phân bổ đủ vaccine cho địa phương.
Về công tác điều trị, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh triển khai điều trị tại cơ sở đối với F0 đã tiêm vắc xin để giảm tải cho các tuyến điều trị, chú trọng cấp thuốc điều trị sớm cho F0…
Phó Thủ tướng lưu ý để khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì vai trò của lực lượng công an rất quan trọng trong xử lý các hành vi vi phạm, quản lý người từ nơi khác đến, bảo đảm chi trả đúng các gói hỗ trợ xã hội.