Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,6%.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite mất 0,2%.
Thị trường chứng khoán Australia cũng giảm 0,6%. Chỉ số KOSPI trên thị trường Hàn Quốc sụt 0,85% và chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản hạ 0,7%.
Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên bán tháo thứ 2 trong ngày 20/11 khi cổ phiếu năng lượng lao dốc cùng với giá dầu, cùng với cổ phiếu của các nhà bán lẻ bao gồm Target và Kohl giảm mạnh do kết quả kinh doanh gây thất vọng, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại.
Chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức thấp nhất hơn 7 tháng. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones chốt phiên ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10.
Trong phiên giao dịch ngày 1911, cổ phiếu công nghệ đã bị bán tháo tại Phố Wall, khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Đến phiên ngày 20/11, các cổ phiếu công nghệ lớn tiếp tục đà giảm sâu. Cổ phiếu Apple mất 4,8% giá trị, tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Giới đầu tư tiếp tục lo ngại về sự chững lại của nhu cầu iPhone - sản phẩm chủ lực của hãng Apple.
Cảnh báo từ các hãng bán lẻ khiến nhà đầu tư thêm thận trọng sau những lo ngại về đà trượt dốc mạnh của cổ phiếu công nghệ, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, khả năng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đã đạt đỉnh, và môi trường lãi suất tăng.
Chiến lược gia trưởng về đầu tư Quincy Krosby thuộc Prudential Financial nhận định: "Thị trường đang có sự điều chỉnh để bước vào thời gian đầu năm 2019 rất khác với những tháng đầu của 2018. Hiện đang xuất hiện lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế Mỹ không yếu đi nhanh chóng, nhưng cũng đang giảm tốc".
Chốt phiên, Dow Jones trượt 2,21%, còn 24.465,64 điểm. S&P sụt 1,82%, còn 2.641,89 điểm. Nasdaq giảm 1,7%, còn 6.908,82 điểm.
"Sự kết hợp cùng lúc của nhiều mối lo buộc nhà đầu tư phải tháo chạy khỏi thị trường", SlateStone Wealth - chiến lược gia trưởng thuộc SlateStone Wealth ở New York , cho biết.
Kể từ mức đóng cửa kỷ lục thiết lập hôm 3/10, cổ phiếu Apple đến nay đã giảm hơn 20% giá trị, tương đương sụt giảm giá trị vốn hóa 250 tỷ USD.
“Thật khó để xác định một yếu tố duy nhất dẫn đến sự tháo chạy khỏi thị trường của giới đầu tư, tuy nhiên nỗi lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và đà giảm mạnh của cổ phiếu Apple cũng tác động phần nào đến thị trường”.
Trên thị trường tiền tệ, trong phiên giao dịch ngày 21/11, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đi ngang ở mức 96,838 điểm sau khi tăng 0,7% trong phiên giao dịch qua đêm. Chỉ số này đã chạm mức thấp nhất 2 tuần xuống còn 96,042 trong phiên 19/11.
So với đồng yen Nhật Bản, đồng USD tăng 0,25% lên mức 1 USD “ăn” 112,92 yen.
Đầu tuần này, tâm lý thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về triển vọng kinh tế toàn cầu đã đẩy đồng USD xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. FED nói rằng ngân hàng này có thể làm chậm tốc độ hoặc thậm chí chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, đồng euro phục hồi lên mức 1 euro đổi được 1,1369 USD sau khi giảm 0,75% ở phiên trước đó.