Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, hiện nay nước ta có khoảng 33.000 tàu khai thác hải sản xa bờ. Trong đó, khoảng 10.000 tàu hành nghề lưới kéo, khai thác thủy sản dưới đáy sâu, thường xuyên hoạt động gần khu vực thăm dò dầu khí và đường ống dẫn khí.
Theo đại diện của Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), mỗi năm PV Gas phải chi hàng chục triệu đô la Mỹ để sửa chữa đường ống dẫn khí bị tác động bởi các neo tàu, lưới tàu. Các vi phạm xảy ra nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết và bất cẩn của ngư dân khi hoạt động ở khu vực lắp đặt đường ống dẫn khí và khoan thăm dò dầu khí.
Trước những nguy cơ mất an toàn hệ thống dầu khí từ hoạt động khai thác hải sản, sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị khai thác tài nguyên và đơn vị quản lý tàu cá thông qua quy chế phối hợp sẽ là một sự kiện quan trọng nhằm nâng cao công tác bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống các đường ống dẫn khí dưới biển.
Theo đó, Quy chế phối hợp quy định bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí là nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí, của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang và mọi công dân.
PV Gas sẽ chủ động, kịp thời thông báo cho Tổng cục Thủy sản những thông tin có liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn, tình hình ô nhiễm môi trường trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam nơi có các hoạt động dầu khí, các công trình dầu khí.
Bên cạnh đó, PV Gas cũng sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy sản một số hoạt động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại một số vùng biển, khu bảo tồn biển; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, điều tra để đề xuất các chính sách về bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản…
Ảnh minh họa.
|