Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phối hợp chặt chẽ để không bỏ sót quyền lợi cử tri

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp đang vào giai đoạn phân chia khu vực bỏ phiếu (KVBP) và lập danh sách cử tri (DSCT).

Phối hợp chặt chẽ để không bỏ sót quyền lợi cử tri - Ảnh 1Riêng tại Hà Nội do dân số đông, nhiều thành phần cử tri, đây cũng là năm đầu thực hiện Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND mới, nên nhiều nơi không tránh khỏi lúng túng. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết, đối tượng cử tri được ghi tên vào DSCT và phát thẻ để đi bỏ phiếu đợt này có những điểm gì mới so với trước?

- Đối tượng cử tri năm nay được mở rộng hơn ở chỗ: Người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc, bị giam giữ được ra trước 24 giờ hoặc người ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam về nước 24 giờ trước giờ bỏ phiếu, đều được quyền ghi tên vào DSCT và nhận thẻ cử tri để đi bầu cử.

Nguyên tắc là mỗi công dân được quyền có tên trong DSCT ở một nơi, nhưng chia 3 đối tượng: Cử tri được bầu ở cả 4 cấp (Quốc hội, tỉnh, huyện, xã) là người có hộ khẩu (HK) thường trú hoặc tạm trú 12 tháng trở lên tại địa phương đó. Cử tri được bầu 3 cấp (Quốc hội, tỉnh, huyện) là người thuộc lực lượng vũ trang, có HK tạm trú dưới 12 tháng. Cử tri được bầu 2 cấp (Quốc hội, tỉnh) gồm: Người ở cơ sở tạm giam, tạm giữ; người đang trong cơ sở giáo dục bắt buộc và cai nghiện bắt buộc.

Không ít nơi chưa nắm rõ về lập DSCT đối với người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở của TP. Họ có quyền bầu cử như công dân bình thường hay giống người đang cai nghiện bắt buộc, thưa ông?

- Đây chính là một điểm mới trong thực hiện Luật lần này. Người tự nguyện xin cai nghiện, chữa trị tại cơ sở giáo dục và cơ sở cai nghiện bắt buộc thì việc thực hiện quyền bầu cử phải xác định như với cử tri là người tạm trú (tại khoản 3 Điều 29). Vào ngày bầu cử, những công dân này trở về nơi thường trú thì được bổ sung vào DSCT để được bầu 4 cấp; trường hợp họ vẫn ở nơi cai nghiện, nếu đã 12 tháng trở lên thì được bầu 4 cấp tại KVBP nơi đó, dưới 12 tháng thì được bầu 3 cấp.

Không thể coi cử tri là người cai nghiện tự nguyện giống với người cai nghiện bắt buộc, dù trong cùng một cơ sở. Vì họ tự nguyện cai nghiện nên vẫn có quyền công dân bình thường.

Hà Nội tập trung rất đông trường ĐH, CĐ cũng như khu công nghiệp. Ông có lưu ý gì đối với việc tổ chức bầu cử cho sinh viên, công nhân?

- Sinh viên và công nhân thuộc địa bàn nào thì được quyền đăng ký ở đó để vào DSCT, nếu đã tạm trú tròn 12 tháng trở lên thì được bầu ở 4 cấp, dưới 12 tháng thì được bầu 3 cấp. Nếu có HK tạm trú ở địa bàn khác nhưng muốn về trường/khu công nghiệp bỏ phiếu, cần có giấy giới thiệu của địa phương đã lập DSCT cho mình và mang về trường để đưa vào DSCT, nhưng chỉ được bầu 2 cấp.

Lưu ý là sinh viên ở KVBP nào thì được lập DSCT ở đó, để phân chia cho dễ. Chẳng hạn, sinh viên Học viện Nông nghiệp (huyện Gia Lâm) được phân thành 10 KVBP vì có tới 35.000 cử tri. Ủy ban bầu cử (UBBC) huyện cùng nhà trường và Công an huyện đang rà soát mọi SV đã đăng ký tạm trú để phân loại, tạo cơ sở cho xã lập DSCT và đảm bảo công dân được quyền bầu 4, 3 hay 2 cấp. Các trường đại học, khu đô thị mới, khu công nghiệp đều nên làm như vậy.

Để làm tốt công tác bầu cử, theo ông, đâu là điểm mấu chốt khi lập DSCT?

- Rất cần phối hợp đồng bộ giữa chính quyền với công an xã, phường, lãnh đạo nhà trường và thủ trưởng cơ quan, vì đó là những người quản lý trực tiếp. Cán bộ lập DSCT luôn cần hỏi kỹ xem công dân có nguyện vọng bỏ phiếu ở địa phương không, kể cả với đối tượng tạm trú hay thường trú. Tất cả nhằm tránh DSCT ảo: Số cử tri đi bỏ phiếu ít hơn nhiều so với số cử tri trong DSCT đã lập, dưới 50% thì cuộc bầu cử đó không đúng luật, phải làm lại. 

UBBC cấp xã sau khi lập DSCT phải niêm yết công khai và thông báo cho các đơn vị, tổ dân phố để công dân rà soát, từ đó đề nghị chính quyền bổ sung tên mình hoặc sửa thông tin cá nhân cho chính xác. Phối hợp chặt chẽ giữa các bên sẽ đảm bảo quyền lợi cho mọi công dân được vào DSCT và bỏ phiếu trong ngày bầu cử, cũng như nghĩa vụ phối hợp của họ với chính quyền, tránh xảy ra khiếu kiện phức tạp. Mục tiêu cuối cùng của việc lập DSCT là phù hợp với nguyện vọng của công dân và không bỏ sót quyền lợi của bất kỳ cử tri nào.

Xin cảm ơn ông!
Với tư cách cơ quan thường trực trong công tác bầu cử của TP, Sở Nội vụ sẽ thường xuyên cử đoàn giám sát và liên hệ với UBBC các cấp. Các quận, huyện, xã, phường… đều đang thực hiện đúng Luật cũng như hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Sở Nội vụ. Mọi khó khăn vướng mắc theo phản ánh của các địa phương đều đã được Sở báo cáo lên Hội đồng bầu cử Quốc gia và được trao đổi thống nhất để kịp thời giải quyết.
Ông Phùng Văn Thiệp - Phó Giám đốc Sở Nội vụ