Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém.
Thời tiết thay đổi khiến trẻ có thể bị viêm mũi cấp tính gây tắc, nghẹt mũi và bệnh đường hô hấp trên (như viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amidan...). Trẻ cũng có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh thuộc đường hô hấp dưới xuất hiện có liên quan khá chặt chẽ với các bệnh của đường hô hấp trên. Khi không được chẩn đoán sớm và điều trị dứt điểm thì mầm bệnh sẽ lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm nhiễm. Khi bị bệnh viêm đường hô hấp dưới, bệnh thường nặng hơn và nguy hiểm hơn rất nhiều so với các bệnh ở đường hô hấp trên. Trẻ thường sốt cao, khó thở, nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, trời lạnh còn có thể làm cho trẻ bị hen suyễn tái phát (viêm phế quản co thắt) hoặc xuất hiện bệnh mới, đặc biệt ở các trẻ sẵn có cơ địa dị ứng.
Để phòng bệnh cho trẻ, nhất là các bệnh thuộc đường hô hấp, quan trọng nhất là cần phòng nhiễm lạnh cho trẻ. Lúc trẻ ngủ cần chú ý đắp chăn cho trẻ thường xuyên vì trẻ thường đạp tung chăn. Khi tắm, cần tắm cho trẻ bằng nước ấm và trong buồng kín gió, tắm xong nhanh tay lau thật khô từ đầu đến chân và mặc quần áo ngay. Mỗi khi ra ngoài (đi học hoặc đi chơi) cần mặc ấm cho trẻ, chú ý giữ ấm cổ, cần có bít tất, khẩu trang, găng tay, mũ ấm. Mỗi lần trẻ uống nước, uống sữa cần cho trẻ uống ấm, không nên cho trẻ uống nước, sữa lạnh.
Khi trẻ sốt, ho hoặc có kèm theo khó thở, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt (có thể khám ở chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tai, mũi, họng) để được chẩn đoán bệnh sớm và có hướng điều trị ngay từ đầu, không nên để bệnh quá muộn mới đưa trẻ đi khám.
Ngoài bệnh đường hô hấp, các bệnh về da cũng hay xuất hiện trong mùa lạnh như khô da, nứt môi, nứt gót chân, mề đay do lạnh. Mề đay gây ngứa dữ dội, xuất hiện vài giờ rồi biến mất, kèm theo có khó thở hoặc tiêu chảy do các ban mọc cả trong đường hô hấp và tiêu hóa gây kích thích. Cách phòng chống là bổ sung đủ nước cho cơ thể và bề mặt da, xoa các loại kem dưỡng để làm mềm và giữ ẩm. Dùng thuốc chống dị ứng khi có biểu hiện ngứa ngáy và nổi ban.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ hàng ngày, giúp trẻ tăng sức đề kháng. Nên cho trẻ ăn những thức ăn nóng ấm giúp cơ thể giữ nhiệt độ ổn định. Chế biến thức ăn cho trẻ đảm bảo vệ sinh giúp phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa một cách thiết thực nhất. Khuyến khích trẻ thực hiện thói quen rửa tay sạch sẽ đúng cách, thường xuyên hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh nguy hiểm lây lan qua con đường tay - miệng, rửa tay được xem là "liều vaccine miễn phí" cho mọi người.
Cần giữ ấm cho trẻ khi trời trở rét. Ảnh: Minh Quân
|