KTĐT - Nhân ngày "Hand washing Day" (Ngày thế giới rửa tay), các chuyên gia y tế cho rằng, trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, rửa tay đúng cách sẽ hiệu quả hơn so với tiêm chủng.
Mùa thu đến đồng nghĩa với việc bệnh cúm sẽ tiếp tục lây lan khiến các bệnh viện tắc nghẽn và chật chội. Trên thực tế, có một phương pháp đơn giản có khả năng giảm bớt một nửa số người bị cúm, đó là rửa tay đúng cách.
Nhân ngày "Hand washing Day" (Ngày thế giới rửa tay), các chuyên gia y tế cho rằng, trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm, rửa tay đúng cách sẽ hiệu quả hơn so với tiêm chủng.
Trung bình, tay của một người bình thường có chứa bao nhiêu vi khuẩn, vi trùng? Bạn có lẽ không biết rằng, 1 tế bào da có thể chứa từ 8 đến 10 vi khuẩn, tức là mỗi cm2 có chứa khoảng 12 triệu vi khuẩn sinh sống...
Các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, cúm, sởi, đậu mùa...và các bệnh liên quan đến tiêu hóa như tiêu chảy đều có thể lây lan bằng tay. Đối tượng dễ bị nhiễm các loại bệnh này nhất chính là trẻ em.
Giám đốc Khoa Tiêu hóa, bệnh viện Nhi đồng (Trung Quốc) cho biết hiện nay nước này có hàng trăm trẻ em nhập viện mỗi ngày vì bệnh tiêu hóa, trong đó có 1/3 là bị tiêu chảy. Sau khi điều tra cho thấy, đại đa số trẻ em bị tiêu chảy đều không có thói quen thường xuyên rửa tay. Không những thế, số trẻ em thành thị có thói quen rửa tay đúng cách chiếm không quá 30%, thấp hơn cả các khu vực kém phát triển.
Báo cáo của Tổ chức y tế thế giới chỉ rõ rằng, bệnh tiêu chảy và viêm phổi hiện nay là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong đối với bệnh nhân nhỏ tuổi. Toàn thế giới mỗi năm có 1.700.000 người bị chết do tiêu chảy và có 1.500.000 người chết do bị bệnh về đường hô hấp. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ em ở mỗi quốc gia.
Việc rửa tay bằng xà phòng có thể giảm 1/2 tỷ lệ tử vong do tiêu chảy, giảm 1/3 tỷ lệ tử vong do viêm nhiễm đường hô hấp. Thói quen rửa tay đúng cách có thể cứu hàng triệu cuộc sống của trẻ em mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ việc sử dụng tiêm chủng hoặc sự can thiệp y tế nào.
Do đó, một trong số các mục tiêu phát triển năm 2005, Liên hợp quốc đã lấy ngày 15 tháng 10 hàng năm là "Ngày thế giới rửa tay", nhằm khuyến khích các cộng đồng, đặc biệt là trẻ em sử dụng xà phòng để rửa tay.
Các chuyên gia khuyến cáo, trước và sau bữa ăn, khi về nhà, chúng ta nên rửa tay ngay để giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh.
Trên thực tế, nhiều người không có thói quen rửa tay thường xuyên. Khi đi đâu về, tay đã tiếp xúc với bụi bặm, vi khuẩn ở các đồ vật ngoài đường, hoặc những người đi chợ về cũng cần phải rửa tay bởi tay họ đã tiếp xúc với rất nhiều vật chứa vi khuẩn như rau, củ, quả, tiền...
Có nhiều loại virus có thể sống trong lòng bàn tay con người trong vòng hai giờ sau đó. Vì thế, nếu không rửa tay ngay sau khi về nhà thì virus, vi khuẩn sẽ lây lan qua đường miệng như uống nước, ăn cơm, ăn hoa quả...và dễ làm lây lan vi khuẩn cho những người trong gia đình mình.
Trong những năm gần đây, việc vệ sinh bàn tay đang được chú ý và đề cập nhiều hơn. Tháng 4 vừa qua, Bộ y tế Trung Quốc đã ban hành "Những quy tắc rửa tay" đối với nhân viên y tế và đưa ra những quy định kỹ càng, tỉ mỉ trong việc rửa tay, hi vọng điều đó sẽ góp phần hữu hiệu ngăn ngừa khả năng truyền bệnh.
Hiện nay, nhiều bệnh viện như bệnh viện Nhân dân tỉnh Nam Kinh, bệnh viện Đại học Trung Sơn, Trung Quốc... đã trang bị vòi nước và xà phòng để thuận lợi cho bác sĩ và bệnh nhân rửa tay.
Việc rửa tay nhìn có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều người rửa tay không đúng cách. Các chuyên gia đã cho rằng nếu rửa tay trong 30 giây và nhiều hơn với nước thì vi khuẩn có thể giảm 80%, nếu rửa tay kết hợp với xà phòng hoặc nước rửa tay, vi khuẩn có thể giảm tới 95%.
6 bước rửa tay sạch phòng chống các bệnh truyền nhiễm:
1. Vặn nước cho chảy đều khắp bàn tay
2. Xoa xà phòng khắp hai tay và chà lòng bàn tay vào nhau
3. Lần lượt đan những ngón tay vào nhau, chà phía sau bàn tay và những ngón tay đã được đan lại với nhau
4. Rửa sạch lần lượt 10 đầu ngón tay và móng tay
5. Cho bàn tay vào vòi nước vừa chà vừa rửa sạch
6. Để tay khô, có thể dùng khăn khô và khăn giấy để lau tay thật khô.
Chú ý, bàn tay sau khi rửa sạch không trực tiếp chạm vào vòi nước để ngăn chặn việc bàn tay bị bẩn một lần nữa mà nên tận dụng giấy vừa lau tay vừa đóng vòi nước và đóng cửa nhà vệ sinh.