Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng chống bạo lực gia đình: Nhân rộng các địa chỉ tin cậy

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân đã góp phần tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.

Bà Bùi Thị Thủy - chủ Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng Tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát.
Đa dạng bạo lực gia đình
Ở Thủ đô nhưng rất nhiều phụ nữ không biết sẽ xử lý thế nào khi bị chồng đánh đập, hành hạ. Nhớ lại câu chuyện cách đây 2 năm, chị Nguyễn Thanh Tú (Tổ dân phố 4, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) rớt nước mắt kể lại những trận đòn chí tử từ người chồng. Chồng chị vốn có tính ghen tuông mù quáng. Hàng ngày, anh đều ghi rõ chị đi đâu, làm gì, mặc gì... Khi chị đi làm về là anh ta tra xét, nếu chị nói không đúng những gì anh ta đã theo dõi, sẽ bị mắng chửi, đánh đập hoặc cưỡng ép quan hệ tình dục. Dù nhiều lần bị chồng đánh đập nhưng chị Tú đã nhẫn nhịn, cam chịu để giữ gìn tránh tiếng "xấu chàng thì hổ ai". Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ trở nên nghiêm trọng. Dù giờ, vợ chồng chị Tú đã hòa thuận, sum vầy nhưng trong tâm trí chị vẫn chưa phai mờ những trận đòn của người chồng bạo lực.

Cũng là nạn nhân của sự bạo hành nhưng câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hóa (Tổ dân phố số 2, phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm) lại là một câu chuyện thương tâm về bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần. Được biết, chị Hóa làm nghề bán giá đỗ, còn chồng chị làm nghề tự do. Cuộc sống vốn đã khó khăn lại thêm anh chồng nghiện rượu. Những khi kiếm được kha khá tiền, anh ta liền tự “thưởng” cho mình một chầu rượu, uống đến say xỉn. Sau mỗi lần như thế, những trận đòn vô cớ lại trút xuống đầu chị. "Mỗi khi uống rượu, chồng tôi thường đấm và túm tóc tôi lôi ra ngoài ngõ, rồi cứ thế đá vào sườn tôi, thậm chí cả vào mặt khiến tôi chảy máu mồm” – chị Hóa tâm sự.

Thêm những địa chỉ tin cậy

Bà Bùi Thị Thủy (nguyên Chủ tịch Hội LHPN phường Thượng Cát), hiện là chủ Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng Tổ dân phố Thượng Cát 4, phường Thượng Cát cho rằng, công tác phòng chống BLGĐ là hoạt động không dễ vì mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nên việc tiếp cận đối tượng bị BLGĐ rất khó. Họ thường giấu kín khi sự việc xảy ra, không muốn mọi người biết và can thiệp đến gia đình mình.

Bà Thủy cho biết, để giúp chị em phụ nữ có chỗ tạm lánh an toàn khi có BLGĐ xảy ra, được sự ủng hộ của cả gia đình, năm 2013, gia đình bà đã đăng ký là “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” và được phường quyết định là địa chỉ tin cậy đầu tiên. Đây là địa chỉ tin cậy cho chị em và đối tượng bị BLGĐ tìm đến để được tư vấn, trợ giúp và tạm lánh trong thời gian chờ các cơ quan giải quyết. Sau 5 năm hoạt động, bà đã gặp gỡ, trợ giúp trên 20 lượt vụ việc đến nhà để được tư vấn, đã trợ giúp được 19 vụ việc, phối hợp đã hòa giải thành được 16 vụ cam kết, đoàn tụ với gia đình... Từ những việc làm thiết thực đó, bà và gia đình đã góp phần giảm các vụ việc BLGĐ xảy ra trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lưu Ngọc Hà, từ khi triển khai, thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ một cách tích cực với nhiều hình thức, tình hình trật tự xã hội; mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng, bình đẳng giới, tệ nạn xã hội, ly thân, ly hôn đã giảm. Đặc biệt, các vụ bạo lực trên địa bàn quận giảm qua từng năm, cụ thể năm 2008 có 80 vụ BLGĐ, đến năm 2014 còn 17 vụ và năm 2018 chỉ còn 5 vụ. Cùng với các biện pháp xử lý đối với người gây ra BLGĐ, việc tổ chức các hoạt động can thiệp hỗ trợ nạn nhân đã được quan tâm. Đến nay, đã thành lập 84 “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng” ở 181 tổ dân phố nhằm tư vấn, giải quyết mâu thuẫn BLGĐ. Các địa chỉ tin cậy đã phát huy tốt vai trò của mình được nạn nhân và Nhân dân tin cậy, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân, giảm thiểu dần các vụ BLGĐ gây nhức nhối trong dư luận.

Tên một số nạn nhân đã được thay đổi