Để có trở lại nhịp sống hằng ngày trong trạng thái bình thường mới, Hà Nội đã thực hiện những biện pháp quyết liệt phòng chống dịch, trong đó có việc vận động người dân thực hiện triệt để thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Có thể nói, trong cái rủi, có cái may. Đợt dịch bùng phát từ Chí Linh, Hải Dương, một địa phương gần kề, rồi việc xuất hiện ca lây nhiễm ngay trên địa bàn thành phố như một sự nhắc nhở, cảnh báo cho người Hà Nội về sự cấp thiết phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, mà quan trọng nhất là đeo khẩu trang.
Nói vậy là bởi thời gian cuối năm 2020, sau gần 100 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn đã xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là không thực hiện các biện pháp phòng dịch, mà dễ thấy nhất là không đeo khẩu trang nơi công cộng. Từ những ngày dịch tái bùng phát vào cuối tháng 1/2021, việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã được người Hà Nội thực hiện nghiêm túc, tự giác. Đó là dấu hiệu tích cực, bởi như chúng ta đã biết, việc đeo khẩu trang không chỉ có tác dụng phòng dịch, mà còn là biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe trước sự ô nhiễm của không khí và nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.
Hiện tại, với đa phần người Hà Nội, khi ra đường không đeo khẩu trang đã có cảm giác thiêu thiếu, thậm chí bất an như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm vậy. Điều đó rất đáng mừng.
Tuy nhiên, cùng với biểu hiện đáng mừng đó, lại xuất hiện một hiện tượng gây lo lắng. Lo lắng là bởi số lượng khẩu trang y tế được sử dụng ngày càng cao đã tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm từ loại rác thải này. Hiện tại, ước tính trên toàn thế giới mỗi tháng có tới 129 tỷ, tức là mỗi phút có 3 triệu, chiếc khẩu trang, hầu hết là loại dùng một lần được thải ra sau khi sử dụng.
Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Princeton đã đưa ra cảnh báo: Tình trạng trên tiềm ẩn vấn nạn về môi trường. Nếu không được xử lý để tái chế, giống như các chất thải nhựa khác, khẩu trang dùng một lần có thể tồn tại trong môi trường, hệ thống nước ngọt và đại dương. Ngoài việc sẽ bị phân hủy thành những hạt nhựa nano có kích thước nhỏ hơn 1 micromet, khẩu trang dùng một lần cũng có thể tích tụ và giải phóng các chất hóa học và sinh học có hại. Như vậy, giống như rác thải nhựa truyền thống, khẩu trang y tế cũng mang lại nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nguy hại hơn, chúng còn là nguồn lây truyền các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19.
Đáng lo hơn là trong khi chú ý đến việc đeo khẩu trang y tế để phòng dịch, không ít người đã có hành vi vứt khẩu trang đã dùng không đúng nơi quy định. Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác không khó thấy hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bỏ một cách tùy tiện trên hè phố, bồn hoa, trước cửa trường học, cổng chợ…
Rõ ràng, không còn là sớm để cần nghĩ đến biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn ô nhiễm này. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học có thể đưa ra những biện pháp căn cơ như xem xét phát triển các loại khẩu trang có thể phân hủy sinh học hay đưa ra công nghệ tái chế với khẩu trang đã qua sử dụng… có những việc có thể và cần làm ngay. Đó là nghiên cứu và thu gom khẩu trang đã sử dụng như một loại rác thải đặc biệt, đặt thùng rác chuyên thu gom, xử lý khẩu trang đã qua sử dụng, thay khẩu trang dùng một lần bằng khẩu trang tái sử dụng bằng vải… Đặc biệt, cần tuyên truyền và vận động người dân thực hiện nghiêm việc vứt bỏ khẩu trang đã sử dụng đúng nơi quy định. Thậm chí, cần có chế tài xử phạt nghiêm hành vi vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định. Một trong những thông điệp của Giờ trái đất năm nay là chung tay loại bỏ rác thải nhựa. Hà Nội cũng đang tiếp tục nói không với đồ nhựa dùng một lần. Vứt khẩu trang dùng rồi đúng chỗ, dùng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế khi không cần thiết… cũng là cách để mỗi người hưởng ứng những thông điệp trên, hành động vì trái đất.