Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch và được chia thành hai loại: huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) bình thường từ 90 - 139mmHg, huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) bình thường từ 60 - 89mmHg. Huyết áp tăng dần theo tuổi nhưng khi tăng tới mức gây nguy hại cho cơ thể thì gọi là tăng huyết áp. Theo hướng dẫn của JNC VII (Báo cáo lần thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về phòng, phát hiện, điều trị tăng huyết áp), người trưởng thành trên 18 tuổi được coi là tăng huyết áp khi huyết áp tối đa ≥ 140 mmHg, hoặc huyết áp tối thiểu ≥ 90mmHg.
Ảnh minh họa.
|
Tăng huyết áp hầu hết gặp ở người già, phần lớn không xác định được nguyên nhân. Tăng huyết áp ở người trẻ dưới 35 tuổi, chiếm tỷ lệ 5-12%, trong đó khoảng 30% không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ, chủ yếu gặp tăng huyết áp tối thiểu, còn ở người già, chủ yếu gặp tăng huyết áp tối đa. Nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp ở người trẻ có thể là: Do bệnh lý như hẹp động mạch thận, u thượng thận, viêm cầu thận, suy thận mạn, hẹp eo động mạch chủ; Do yếu tố nguy cơ, chủ yếu là do lối sống như hút thuốc lá, béo phì, stress, uống nhiều rượu bia, rối loạn lipid máu, ăn mặn, mất ngủ kéo dài…
Các biến chứng của tăng huyết áp gặp ở cả người già và người trẻ tuổi, đặc biệt nguy hiểm ở người trẻ tuổi vì nhóm bệnh nhân này không có biểu hiện rõ ràng của tăng huyết áp nên thường phát hiện bệnh muộn, khi đã có biến chứng. Nguy hiểm nhất là tai biến mạch máu não, có thể xảy ra đột ngột khiến bệnh nhân tử vong.
Để phòng ngừa tăng huyết áp ở người trẻ tuổi cần thực hiện các biện pháp sau: Điều chỉnh cân nặng ở mức hợp lý, phù hợp với các chỉ số cơ thể; Không ăn quá mặn (quá 2-4g muối/ngày); Nên ăn nhiều thức ăn có chứa kali (chuối, nước dừa…), calci (tôm, cua, sữa,…), magie (thịt); Hạn chế ăn mỡ động vật; Ăn nhiều rau xanh, hoa quả; Không uống rượu, hút thuốc lá; Thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý; Tránh thức đêm, stress quá mức; Rèn luyện thân thể thường xuyên bằng các bài thể dục tăng cường sức khỏe, đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp…; Tránh lo âu, xúc động quá mức.
Để chẩn đoán chính xác bệnh, gặp các dấu hiệu trên cần phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Nên thường xuyên đo huyết áp và chú ý tới các biểu hiện như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tiểu đêm, buồn nôn,… Việc quan trọng nhất trong điều trị tăng huyết áp ở người trẻ tuổi là tìm được nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị tận gốc. Nếu chưa tìm ra nguyên nhân, ngoài thay đổi lối sống, tăng cường hoạt động thể lực bạn cần phải dùng thuốc hạ huyết áp nhằm tránh biến chứng.