Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phù hợp thực tế

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Y tế vừa có thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, trong đó bỏ quy định phải ghi số chứng minh Nhân dân hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ, hoặc người giám hộ trên đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi nhận được nhiều sự đồng tình.

 Ảnh minh họa
Đây vốn là quy định gây ra nhiều ý kiến trái chiều khi được áp dụng cách đây vài tháng. Việc cơ quan chức năng nhanh chóng có những sửa đổi phù hợp với thực tế được nhận định là động thái tích cực để tạo thuận lợi cho người dân. Dù đây chỉ là một “sự vụ” nhỏ, nhưng nhìn rộng ra có thể thấy, tinh thần cầu thị trong giảm bớt các quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, DN đang được thực hiện rất tích cực ở các cấp, các ngành.
Quy định ghi số chứng minh Nhân dân của cha, mẹ vào đơn thuốc ngoại trú cho trẻ dưới 6 tháng tuổi khi được thực hiện từ tháng 3/2018, được lý giải nhằm quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh diễn ra phổ biến. Song quy định này bị nhiều cha mẹ, thậm chí các bác sĩ phản ứng vì gây phiền hà. Như lãnh đạo Bộ đã từng nhận định, trên cơ sở cầu thị, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, có những chỉnh sửa cần thiết, phù hợp.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, hàng loạt những văn bản cả ở thể loại quy định, hướng dẫn, thông tư cho đến thể loại cao hơn như nghị định, chỉ thị… của một số cơ quan chức năng liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống cũng đã được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, những quy định gây băn khoăn dư luận hay các văn bản xa rời thực tế, không phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện tại đã được bãi bỏ. Mục tiêu giảm mạnh, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, DN không chỉ là khẩu hiệu mà thực tế được thực thi rất tốt. Có những lĩnh vực đã cắt giảm, đơn giản tới gần 70% các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, được đánh giá là tạo điều kiện lớn cho người dân, DN. Thực tế, mỗi văn bản được ban hành sẽ có tác động nhất định tới cộng đồng, xã hội ở từng mức độ khác nhau, việc kịp thời điều chỉnh hoặc bãi bỏ, để phù hợp hơn là việc làm cần thiết và tạo ra tác động tích cực.

Dù nhiều quy định gây phiền hà cho người dân đã được loại bỏ, nhưng trong thực tế vẫn còn không ít thủ tục nhiêu khê, không cần thiết hoặc biến tấu sang nhiều dạng khác nhau. Cá biệt, vẫn có nhiều những quy định “lạ” có tuổi thọ rất ngắn, vừa ra đời đã phải thu hồi, bãi bỏ, gây khó nắm bắt cho người dân và tính nghiêm minh của quy định pháp luật cũng bị ảnh hưởng. Nhiều người đặt câu hỏi, có phải do quy trình xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phần lớn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành hoặc chưa quan tâm đúng mức đến khâu điều tra xã hội về đối tượng bị điều chỉnh, dẫn đến việc đưa ra các quy định chưa sát thực tế.

Bởi thế, cùng với tiếp tục điều chỉnh các quy định không phù hợp, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết để gọn nhẹ trong thực thi, tạo thuận lợi cho người dân, mong rằng, ngay từ khi ban hành các quy định, phải theo sát được hơn yêu cầu cuộc sống, xác định tầm nhìn xa, những yêu cầu mới sẽ nảy sinh.