Tìm nơi học hè cho con trước nửa tháng, nhưng chị Mai (quận Tây Hồ) có con năm nay lên lớp 2, loay hoay mãi mới quyết định được chỗ học cho con. "Hết hỏi han bạn bè đến tìm trên mạng về những khóa học bổ ích, cuối cùng quyết định gửi con học bán trú ở Cung thiếu nhi Hà Nội. Tương tự, chị Ngọc Dung (quận Thanh Xuân) có con trai học lớp 3 và con gái năm nay vào lớp 1 cho biết: Vì không thể để con ở nhà một mình hàng ngày, cũng không thể gửi con về quê cả tháng, nên tìm các lớp học hè cho con là giải pháp tối ưu. Xem lịch trình, thời gian biểu ở Nhà thiếu nhi quận Thanh Xuân, tôi đã tìm được một vài môn học cho hai con. Sáng ra, vợ chồng thay nhau đưa hai cháu đến nhà thiếu nhi học tập, sinh hoạt để yên tâm đi làm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Dung, chị Mai. Nhiều gia đình không thể tìm được chỗ gửi con, một số gia đình đành "nhốt" con trong nhà để đi làm. Có gia đình bí quá đã phải chọn giải pháp đưa con đến công sở, hoặc cố tìm bằng được nhà riêng cô giáo để cho con học hè, gửi con ở nhà cô. Chị Thu Hà ở Nhân Chính (quận Thanh Xuân) có con trai lên lớp 4 chia sẻ, trước khi con nghỉ một tuần, anh chị đã nhờ người hỏi giúp lớp học ở nhà riêng của cô giáo. Theo kinh nghiệm của chị Hà, ưu tiên số 1 là học nhà cô, vừa bổ sung được kiến thức cho con lại có người quản lý". Bởi theo chị, học ở các trung tâm, các cháu khó được quản lý sát sao. Hơn nữa, đúng giờ lại phải đến đón con nên rất khó đối với những người có công việc, giờ giấc thất thường như vợ chồng chị... Do vậy, học ở nhà cô giáo vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các bậc phụ huynh không có điều kiện quản lý con trong dịp hè này.
Lớp học hè… quá tải
* “Để ngày hè thật sự bổ ích, lý thú cho các em, cần có thời gian biểu hợp lý. Không nên "ép" các em học nhồi nhét những môn văn hóa quá nhiều. Hiện nay, phụ huynh chỉ quan tâm đến học văn hóa, mà bỏ qua những hoạt động vui chơi, sinh hoạt tập thể của con. Nhiều gia đình chỉ lo tìm được chỗ học để "quẳng" cho cô, "khoán trắng" cho trường. Để ngày hè thực sự bổ ích, cha mẹ lên kế hoạch, có thời khóa biểu hợp lý cho con, xen kẽ giữa học, chơi, tham gia các hoạt động hè ở tổ dân phố, về quê thăm ông bà, họ hàng... có vậy mùa hè mới thực sự có ý nghĩa với các em”. Cô Lý Thị Hương Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) *“Để giải quyết vấn đề vui chơi cho trẻ và giảm bớt nỗi lo cho các bậc phụ huynh, ngoài học năng khiếu tại các Nhà thiếu nhi, vai trò của các cơ sở đoàn đội tại địa phương cũng quan trọng. Sự vào cuộc của các cơ sở đoàn trong quá trình tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh như tham gia trại hè, sinh hoạt trong các Câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại các khu, cụm dân cư, tổ dân phố sẽ phần nào giúp các bậc phụ huynh bớt lo lắng và các em có thêm sân chơi bổ ích trong những ngày nghỉ hè”. Ông Mai Thế Tự -Tổ trưởng tổ dân phố 82, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội |
Cứ vào dịp nghỉ hè, các trung tâm đào taonhà thiếu nhi, cung thiếu nhi đều rơi vào tình trạng quá tải. Có mặt tại Trung tâm Hocmai.vn (104 Nguyễn Khuyến, Hà Nội) lúc 8 giờ 30 ngày 14/6, chỉ sau 20 phút đã có hơn hai chục phụ huynh đến đăng ký học hè cho con. Cô Đỗ Thị Phương Thảo, cán bộ tuyển sinh cho biết: Trung tâm nhận ôn luyện từ lớp 1 đến lớp 12, chủ yếu ôn luyện văn hóa. "Các môn học ở đây đều luyện, trừ môn giáo dục công dân. Rất đông phụ huynh đến đăng ký học cho con. Đặc biệt là những ngày hè, vì vậy trung tâm phải chia làm nhiều ca trong ngày" - cô Thảo cho hay.
Bà Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Cung Thiếu nhi Hà Nội, xác nhận, năm nào cũng xảy ra "quá tải" học hè. Năm 2012 có 28.000 lượt học sinh đến học, riêng 3 tháng hè chiếm rất lớn, nhưng do không đủ địa điểm nên năm nay Cung Thiếu nhi chỉ mở được 3 lớp bán trú hè (từ lớp 1 đến lớp 3). Do địa điểm chật nên nhiều năm qua Cung Thiếu nhi chưa tăng thêm được phòng học, vì thế sự quá tải vào dịp hè càng "nóng" khi nhu cầu của phụ huynh cho con đến đây luôn tăng" - bà Hà cho biết.
Tại quận Hà Đông, ông Nguyễn Văn Mạnh - Giám đốc Nhà Thiếu nhi quận, cho biết, ở đây đã mở hơn 100 lớp với các môn năng khiếu: Họa, nhạc, ca múa, guitar, bóng bàn, cầu lông... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của các cháu thiếu nhi trên địa bàn. "Năm nay, ngoài các môn năng khiếu, Nhà thiếu nhi mở thêm các lớp đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng giao tiếp... Đặc biệt, Nhà thiếu nhi quận đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên TP Hà Nội tuyển sinh "Học kỳ quân đội" cho các em ở lứa tuổi từ cấp 2 trở lên. Với việc đưa thêm "Học kỳ quân đội" vào chương trình sinh hoạt hè cho thiếu nhi, chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra sân chơi mới cho các em học tập và rèn luyện trong mùa hè này"…
Băn khoăn chất lượng
Nghỉ hè là thời gian vui chơi thoải mái của trẻ sau một năm học căng thẳng và vất vả. Nắm được nhu cầu của các bậc phụ huynh, những khẩu hiệu "Khám phá những điều mới lạ", "Phát triển tư duy vượt trội", "Kỹ năng sống", "Kỹ năng học bơi", "Luyện chữ đẹp cho bé vào lớp 1"… ồ ạt được giới thiệu, quảng cáo tại cổng các trường mầm non, THCS từ trước khi học sinh nghỉ hè cả tháng.
Ngoại khóa hè sẽ thật sự bổ ích nếu cha mẹ chọn lựa nơi học, lớp học đúng chỗ, đúng năng khiếu của trẻ. Ngoài vui chơi, trẻ cần phải rèn luyện thể chất, kỹ năng ứng xử khi gặp tình huống xấu. Tuy nhiên, có những nơi chất lượng học lại không như quảng cáo, giá thành đắt gấp nhiều lần. Đặc biệt, nhiều phụ huynh băn khoăn về các khóa học kỹ năng sống ở trung tâm, chất lượng có được cơ quan chức năng nào kiểm định hay không? Vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hiện bộ tài liệu hoàn chỉnh về dạy kỹ năng sống chưa có. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, đơn vị, tổ chức, cơ quan nếu không có gì sai trái, tham gia vào dạy kỹ năng sống, đạo đức cho các em là điều rất đáng hoan nghênh.
Về việc kiểm định chất lượng dạy kỹ năng sống, theo ông Thống, điều đầu tiên là phụ huynh tự kiểm định. "Cha mẹ bỏ tiền ra, thu được gì ở con, cha mẹ là những người hiểu hơn ai hết là con mình được dạy và học được những gì. Bên cạnh việc cho con học tại các trung tâm, về nhà cha mẹ cần quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho con bằng những việc làm cụ thể, nhằm rèn luyện ý thức cho trẻ" - ông Thống tư vấn.
Nghỉ hè là quãng thời gian để các em thư giãn, vui chơi khi một năm học căng thẳng kết thúc. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều trẻ… gần như không có hè. Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn ở Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ hè, trung tâm thường tiếp nhận nhiều trẻ bị rối nhiễu tâm lý, là hệ quả của việc bị bố mẹ ép vào những khóa học, huấn luyện hè. Chẳng hạn, có bé hay quậy phá bị bố mẹ đưa đi trại hè quân đội, áp dụng kỷ luật "sắt". Trẻ không thể ngay lập tức thích nghi, và như nước vỡ bờ, càng phá để chống đối... Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, việc cho con học hè không thể lấy ý chí chủ quan của người lớn để áp đặt, nhất là những thứ trái ngược với cá tính, sở thích của các em. Để ngày hè thật sự bổ ích, bố mẹ có thể hướng dẫn con học và làm việc nhà. Khi được hướng dẫn, tự làm việc, được bố mẹ ghi nhận, khen ngợi trẻ sẽ rất thích thú. TS Phạm Mạnh Hà - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lý (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng, phụ huynh nên xác định rõ cho con học các lớp năng khiếu hè không phải là để con thành vận động viên, nghệ sĩ... mà hãy cho chúng học những cái chúng thích. Đừng nghĩ thay cho trẻ, đừng biến con thành vật thí nghiệm. Bắt trẻ học cái chúng không thích sẽ dẫn đến những phản ứng không tốt và thui chột sự phát triển của trẻ. Quan trọng là, bố mẹ cần biết xếp lịch cho phù hợp, tạo ra các trò chơi mà học, học mà chơi hấp dẫn trẻ. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, dễ làm, có ý nghĩa giáo dục tốt. Để tránh việc trẻ mê mải với game, tivi, bố mẹ cần chia thời gian hợp lý: Khoảng thời gian con được chơi tự do, thời gian học tập, làm việc nhà… Cần tạo ra các hoạt động phong phú, ưu tiên và khuyến khích trẻ vận động, có thể đưa con đi thăm ông bà, họ hàng... Và quan trọng nhất học gì, làm gì cũng nên phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ. Thu Anh |