Nữ giới tham gia điều hành doanh nghiệp ngày càng nhiều nhưng cũng xuất hiện những lo ngại phụ nữ thường thua thiệt trong các thương vụ đòi hỏi sự quyết đoán. Từng giảng dạy, nghiên cứu tại Việt Nam, theo ông, những nhận định trên với các nữ doanh nhân Việt có chính xác không?
- Trên thực tế, phần lớn phụ nữ tham gia điều hành doanh nghiệp đều đã có gia đình và có từ 2 - 3 con nên thời gian làm việc thường không có sự tập trung cần thiết như nam giới. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các lãnh đạo nữ gặp bất lợi trong các thương vụ, dự án quan trọng vì họ được đào tạo tốt hơn, có được sự tinh tế, nhạy bén hơn.
Trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều nước, tôi thấy phụ nữ Việt Nam đã phát huy tốt vai trò điều hành, lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, định kiến lãnh đạo phải là nam giới vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam nên các lãnh đạo nữ thường mất thời gian nhiều hơn trong việc thuyết phục đối tác tin tưởng để đi đến quyết định hợp tác.
Với sự cố gắng của mình, các nữ doanh nhân Việt không chỉ đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn tạo điều kiện để nâng cao thu nhập cho các lao động nữ.
Không chỉ tham gia điều hành doanh nghiệp, tỷ lệ nữ giới nắm các vị trí chủ chốt trên chính trường ngày càng phổ biến. Theo ông, sự hiện diện của phụ nữ có tác động thế nào đến việc đưa ra các quyết sách kinh tế - xã hội của một quốc gia?
- Trên thực tế, với thiên chức của làm vợ, làm mẹ, phụ nữ luôn hướng tới sự phát triển bền vững, cân bằng hơn nên sự tham gia của nữ giới vào các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, y tế... đã tạo ra những chuyển biến tích cực cho các thế hệ trong tương lai.
Vì thế, việc phụ nữ hiện diện nhiều hơn trong các cơ quan Nhà nước và nắm giữ vị trí chủ chốt trên chính trường sẽ tạo cơ hội để nữ giới đóng góp thiết thực hơn, cần thiết hơn cho các chính sách như xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng giáo dục...
Tỷ lệ nữ giới Việt Nam tham gia chính trường là khá cao nên các quyết sách như chương trình xoá đói giảm nghèo, giúp trẻ em gái và phụ nữ có cơ hội và điều kiện tham gia học tập như trẻ em trai và nam giới... đã giúp các bạn được hưởng lợi từ các thành quả kinh tế - xã hội này.
Các nữ doanh nhân nhận giải Bông hồng vàng
Để thúc đẩy bình đẳng giới trên thương trường lẫn chính trường, theo ông cần làm gì để sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo không đơn thuần chỉ là mặt hình thức?
- Không phải vô cớ mà từ năm 2005, Na Uy đã ban hành quy định doanh nghiệp phải đảm bảo có 40% nữ giới trong Hội đồng quản trị. Ngay tại châu Á, từ tháng 6/2011, Malaysia cũng đã áp dụng quy định, các doanh nghiệp phải đảm bảo tỷ lệ nữ giới lãnh đạo là 30%.
Tuy nhiên, theo tôi, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới không đơn thuần chỉ là tăng số lượng nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Nhà nước mà còn phải dựa vào năng lực, chất lượng của nhân lực nữ. Cũng như tạo mọi điều kiện để phụ nữ có thể phát huy được hết khả năng của mình.
Xin cám ơn ông!