Theo nhận định của một lãnh đạo huyện Phú Quốc, tình trạng sốt giá hiện nay là do người dân đổ xô mua “đón đầu” sự kiện Phú Quốc trở thành đặc khu. Việc mua đất làm gì, vị trí ở đâu, giá cả như thế nào... thì ít được người mua quan tâm.
Do đất ở Phú Quốc có hạn nên thực chất các cuộc giao dịch là "trao tay" từ người này sang người khác trong thời gian ngắn. Có thửa đất, chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại hơn 10 lần. Nhiều chủ đất và "cò" đã lợi dụng tình hình lộn xộn này để đẩy giá tăng cao hơn nữa khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thật gấp hàng chục lần.
Một tấm biển cảnh báo đất đang tranh chấp ở Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN) |
Trong một diễn biến khác, cơn sốt giá đất ở Phú Quốc dẫn đến hệ lụy tranh chấp, thưa kiện diễn ra phức tạp, mất đi tình làng, nghĩa xóm; xáo trộn trong thân tộc, họ hàng; tình trạng bao chiếm, xâm chiếm đất trái phép để thu lợi bất hợp pháp gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.
Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh, suy tính trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá để tránh tình trạng "mua bằng mọi giá" vì kiểu giao dịch ngoài luồng, “tự phát” hiện nay dễ dẫn đến “tiền mất tật mang” bởi nhiều vị trí đã được quy hoạch, không phải nơi nào cũng cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn hay làm điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ…
Huyện Phú Quốc cũng triển khai các biện pháp kiềm chế, kiểm soát việc mua bán, sang nhượng đất đai trên địa bàn, bình ổn giá; phát hiện, xử lý việc "thổi giá" gây náo loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là trong mời gọi thu hút đầu tư; kiên quyết xử lý những đối tượng bao chiếm, xâm chiếm đất trên đảo mua bán bất hợp pháp để thu lợi bất chính.