Phú Xuyên có 28 xã, thị trấn, dân số trên 20 vạn người với 17.000ha đất tự nhiên, hơn 9.000ha đất nông nghiệp. Huyện cùng các cơ quan, DN đang hoàn thiện đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội rộng gần 80ha và 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Đại Thắng, Phú Túc, Phú Yên. Toàn huyện có 497 công ty, DN, 6 HTX công nghiệp, 3 hiệp hội... Cùng với đó, 11 xã đã bố trí khoảng 227,78ha đất để quy hoạch thêm 19 cụm công nghiệp làng nghề. Đây được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế địa phương. Thể hiện rõ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện sau khi hợp nhất về Thủ đô giai đoạn 2008 - 2017 đạt 5,36% năm, tổng giá trị sản xuất năm 2017 cao gấp 5,56 lần so với năm 2008, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
|
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn thăm gian hàng tại lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống của huyện năm 2017. Ảnh: Nguyễn Trường |
Thời gian qua, huyện còn phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng. Giá trị SXNN năm 2017 gấp 3,32 lần năm 2008. Việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả theo quy hoạch cũng được thực hiện. Qua đó, chuyển đổi 2.264ha đất sản xuất kém hiệu quả sang làm mô hình VAC và 1.120ha đất làm trang trại nuôi trồng thủy sản cung cấp các sản phẩm chất lượng cho thị trường tạo thu nhập cao. Nhờ đó, diện mạo các xã thay đổi, đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 33 triệu đồng/người/năm (cao gấp 3,8 lần so với năm 2008). Đã có 16/26 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được đẩy mạnh, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung, SXNN áp dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế cao như trồng 4ha măng tây tại xã Hồng Thái và đang mở rộng trồng thêm gần 100ha. Cùng với đó, huyện tập trung quy hoạch trồng 35ha rau cần tại xã Khai Thái, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ thay đổi tư duy trong SXNN, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đã giúp hàng trăm hộ thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành |
Nói về kết quả tăng trưởng kinh tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Thế Công cho biết: “Thời gian qua, sản xuất công nghiệp - xây dựng từng bước tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế tăng từ 51% năm 2008 lên 66,05% năm 2017. Tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm làng nghề đạt kết quả cao. Tính đến hết năm 2017, có 156/156 làng có nghề, tăng 32 làng nghề so với năm 2008. Trong đó, số làng được công nhận làng nghề truyền thống tăng từ 37 làng năm 2008 lên 43 làng năm 2017”.
Điểm sáng giáo dục
Trong 10 năm qua, ngành GD&ĐT huyện luôn thực hiện tốt việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng các phong trào thi đua do ngành phát động. Cùng với việc nâng cao chất lượng toàn diện, công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi luôn được các trường quan tâm, tạo thành phong trào thi đua. Nhờ đó, từ năm 2008 đến năm học 2016 - 2017 đã có 1.208 HS giỏi cấp TP, 46 HS giỏi cấp quốc gia. Riêng năm học 2017 - 2018 toàn huyện có 14 giáo viên đạt giải cấp TP, 3 HS đạt giải cấp quốc gia, 148 em đạt HS giỏi cấp TP các môn văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Năm nào, huyện đều có HS đỗ thủ khoa vào đại học.
Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn cũng được các cấp, ngành của huyện quan tâm. Cụ thể, năm 2014 đã có hơn 120 nhà ở của người có công (NCC) trên địa bàn được TP, huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa bằng nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đặc biệt từ năm 2016 - 2017, qua rà soát tại 28 xã, thị trấn trong huyện xác định có 1.126 nhà của người có công, gia đình thuộc diện khó khăn có nhu cầu xây mới, sửa chữa được sử dụng bằng nguồn ngân sách của TP, huyện, nguồn xã hội hóa hoặc nguồn kinh phí từ gia đình, các đoàn thể hỗ trợ. Qua đó, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng các địa phương vào cuộc bàn giao nhà cho các gia đình. Hiện nay, huyện đang gấp rút sửa nhà cho 315 hộ nghèo để hoàn thành trong tháng 10/2018.
Nỗ lực cải cách hành chính Nói về công tác cải cách hành chính của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, UBND huyện quyết tâm triển khai Đề án “Chính quyền điện tử giai đoạn 2017 - 2020”. Qua đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức “Kỷ cương - Trách nhiệm - Tận Tình - Thân thiện”, huyện đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi cán bộ để thực hiện phương châm 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả. Đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết 52 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh, Tư pháp, TN&MT… Trong đó, nhiều thủ tục giảm thời gian giải quyết tới 2 - 3 ngày. Mặt khác, hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 ứng dụng tại 12 cơ quan và 28 xã, thị trấn.
Cùng với đó, UBND huyện còn đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống camera kết nối màn hình đặt tại trụ sở UBND huyện để kiểm tra, giám sát hoạt động bộ phận một cửa các xã, thị trấn. Đi đôi với các việc làm trên, UBND huyện còn tích cực tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho học sinh trên địa bàn huyện để làm kênh hỗ trợ cho người thân khi cần. “Cán bộ huyện Phú Xuyên quyết tâm đẩy mạnh, triển khai tốt chính quyền điện tử, tiến tới thành lập tổ hỗ trợ công nghệ thông tin và phân công cán bộ hỗ trợ 28 xã, thị trấn trong việc sử dụng phần mềm dùng chung của huyện với mục đích hướng tới xây dựng trang thông tin điện tử cấp xã trong thời gian tới” - ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.