Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phục hồi phát triển kinh tế thích ứng với dịch Covid-19: Những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt

TS. Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 9 tháng năm 2021, tác động tiêu cực của dịch Covd-19 đã khiến các chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả một số nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh tăng; DN gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và nguồn vốn... Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô suy giảm. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quý IV và giai đoạn tiếp theo buộc TP phải đưa ra các giải pháp đồng bộ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thăm và kiểm tra sản xuất của Công ty TNHH Toto Việt Nam khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Ảnh: Lâm Khánh
Đẩy mạnh đầu tư công và điều hành thu, chi ngân sách
9 tháng năm 2021, khách du lịch quốc tế giảm 82,7%. Khách du lịch trong nước giảm 42,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 4,4%. Hoạt động công nghiệp, xây dựng tháng 9 giảm 7,82% so cùng kỳ. 8 tháng đầu năm, số DN thành lập mới giảm cả về số lượng và vốn đăng ký, trong khi số DN giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng mạnh. Chi NSNN cho đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 32% dự toán Chính phủ giao… Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ quan trọng được UBND TP Hà Nội nhấn mạnh là: Giữ vững thành quả chống dịch; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ 95 - 97% kế hoạch năm 2021 là một trong những nhiệm vụ kinh tế và chính trị quan trọng nổi bật trước mắt, do vậy, TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác lập, thẩm định và phê duyệt, giải quyết các thủ tục về đầu tư, xây dựng của dự án; về thu hồi, GPMB và giao đất, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; hoàn thành nhanh, gọn từng dự án đúng cam kết; điều chỉnh kế hoạch vốn tập trung cho các dự án cấp bách và có khả năng giải ngân đáp ứng tốt các yêu cầu hiện hành…

Quyết liệt thực hiện thu ngân sách ở mức cao nhất theo mục tiêu, kế hoạch được giao, phát huy hết dư địa các khoản thu, nguồn thu ngân sách, tăng thu về đất nhất là thu đấu giá quyền sử dụng đất và tiền thuế - tiền thu đất phải nộp khi hết thời gian được gia hạn; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và hạn chế tối đa phát sinh các khoản nợ thuế mới. Giải quyết ngay hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư nông thôn, đất vườn liền kề của các hộ gia đình, cá nhân sang đất ở nhằm vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa góp phần thu ngân sách địa phương.

Về dự thảo các nghị quyết, quy phạm pháp luật như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đầu tư đường Vành đai 4; Hệ thống cơ sở y tế và giáo dục đào tạo; các thiết chế văn hóa và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021 - 2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; Quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn TP.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển

Việc phục hồi, phát triển kinh tế cần được triển khai quyết liệt theo quan điểm bám sát chỉ đạo T.Ư và nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP giai đoạn 2021-2025, bảo đảm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, với tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch bệnh phải cao hơn tiêu chí chung của cả nước. Lấy DN, HTX, hộ kinh doanh vừa làm trung tâm phục vụ, hỗ trợ toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, vừa là chủ thể tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TP ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021, làm tiền đề thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 và những năm tiếp theo, ngay từ đầu tháng 10/2021.

Để đạt mục tiêu đó, lãnh đạo TP yêu cầu các cấp ngành, địa phương và đơn vị phải bắt tay ngay vào rà soát khả năng, nguồn lực phát triển, các nhiệm vụ, công việc, chỉ tiêu phải thực hiện trong quý IV để xây dựng kế hoạch và kịch bản phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương cụ thể theo các tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh; phân công nhiệm vụ, thời gian và yêu cầu hoàn thành cụ thể từng cấp, cá nhân lãnh đạo, từng ngành, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện.

Xây dựng và thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp theo kết quả kiểm soát dịch bệnh cụ thể trên thực tế địa bàn; Thành lập và triển khai hoạt động của các Tổ công tác của TP Hà Nội về tháo gỡ khó khăn cho DN, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; về cải cách thủ tục hành chính, về quy hoạch, đất đai, đô thị và về đảm bảo nguồn thu, thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TP.

Đặc biệt, việc hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh và các dự án khởi nghiệp sáng tạo cần đồng bộ cả về thể chế và tài chính, tín dụng, bao quát các công đoạn, yếu tố đầu vào, đầu ra và quản trị kinh doanh. Tập trung triển khai nhanh, đầy đủ và hiệu quả nhất các chính sách và quy định chung của Chính phủ về cơ cấu nợ và giảm lãi suất, phí tín dụng; gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông; các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động cho các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần các Nghị quyết và Nghị định của Chính phủ...

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là chủ động và linh hoạt thực hiện các chính sách đặc thù phù hợp phân cấp quản lý hiện hành và thực tiễn của Thủ đô, như: Luật Thủ đô và Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019; Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 09/9/2019 của UBND TP Hà Nội; Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 1/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn TP. Theo đó, coi trọng hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển TP, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và các gói hỗ trợ tài chính mới của TP. Nghiên cứu, hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi số trong DN và bảo đảm lưu thông hàng hóa, lao động an toàn, thuận tiện trong và giữa các địa phương, đặc biệt, xử nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân…

Ngoài ra, cần tiếp tục đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy nhanh giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hội nghị đối thoại để nhận diện và giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho các cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và trong sản xuất nông nghiệp.

Với những giải pháp chủ động, toàn diện và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân, kỳ vọng Hà Nội tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế bứt phá hơn, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7% trong quý IV và mức là 4,5 - 5% cho cả năm 2021...