Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cho biết, địa phương là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, nằm trong dòng chảy của vùng văn hóa xứ Đoài với 92 di tích đã được Nhà nước xếp hạng trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt là đền Hát Môn, 47 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh, thành phố.
Huyện Phúc Thọ sẽ đẩy mạnh đầu tư, khai thác giá trị di sản đền Hát Môn phục vụ du lịch. |
Huyện còn có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú với 65 lễ hội truyền thống trong đó lễ hội truyền thống đền Hát Môn được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, huyện còn có các làng nghề truyền thống như làng nghề bánh, bún, đậu Linh Chiểu, làng nghề bột sắn Hạ Hiệp, làng nghề may Tam Hiệp... Tuy nhiên, lượng khách đến với Phúc Thọ còn rất hạn chế. Năm 2015, cả huyện đón khoảng 3 vạn khách. 6 tháng đầu năm 2016, Phúc Thọ đón khoảng 2 vạn khách. Nguyên nhân bởi Phúc Thọ chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, nguồn nhân lực phục vụ công tác du lịch chưa được đào tạo, hướng dẫn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng du lịch của huyện còn chưa được quan tâm; các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành còn yếu. Phúc Thọ cũng là một huyện nông nghiệp thuần túy và chưa có kế hoạch khai thác kinh tế du lịch, quản lý, xây dựng các tour du lịch. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu Phúc Thọ rà soát toàn bộ các tiềm năng lợi thế của huyện để Sở cùng với huyện sắp xếp các điểm đến thành sản phẩm hoàn chỉnh. Trong đó, đặc biệt chú ý đến sản phẩm du lịch liên quan đến di sản phi vật thể đền Hát Môn, làng nghề Tam Hiệp để giới thiệu tới các doanh nghiệp, du khách và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng cũng đề nghị huyện xây dựng các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như: Khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề) và khu thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương. Người đứng đầu Sở Du lịch Hà Nội đề nghị huyện Phúc Thọ tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp cho các hoạt động của ngành du lịch Thủ đô trong thời gian tới như: Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống; chương trình “Ký ức Hà Nội”… Ông Hồng khẳng định: Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ giúp Phúc Thọ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; thiết kế các biển, bảng chỉ dẫn du lịch… đồng thời đưa các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội đi khảo sát nhằm xây dựng tour tuyến tại đây.