Thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn chưa có một quốc gia nào đạt được bình đẳng giới. Sự mất cân bằng giới tính vẫn còn diễn ra không chỉ riêng ở châu Á mà còn trên toàn thế giới. Theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 600 triệu trẻ em gái, trong đó hơn 500 triệu em đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Thế nhưng trẻ em gái vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn so với trẻ em trai cùng trang lứa.
Nghiên cứu của tổ chức Plan International chỉ ra rằng, việc đầu tư vào bình đẳng giới, đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên có thể mang lại hiệu quả tích cực cho tất cả mọi người. “Đây chính là thời điểm vàng để châu Á đầu tư vào cơ hội phát triển cũng như khả năng lãnh đạo của em gái” - đại diện khu vực Plan International khẳng định.
Tổ chức này cũng nhận định: Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đang làm tốt mục tiêu trên, là đất nước xếp thứ hạng tổng thể ở vị trí số 3, chỉ sau Singapore và Philippines về việc bảo vệ quyền cho trẻ em gái. Dù vậy, ở chỉ số liên quan đến bạo lực và xâm hại vẫn còn nhiều thiếu sót. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.
Việc ưu tiên và nỗ lực làm nổi bật sức mạnh của trẻ em gái chính là từng bước tháo gỡ sự phân biệt đối xử, bạo lực, tệ nạn, ươm mầm vững chắc cho sự phát triển hướng tới xã hội văn minh, bình đẳng. Trẻ em có quyền được sống an toàn, công bằng, giáo dục đầy đủ, có quyền thực hiện tiềm năng của mình trong bất cứ lĩnh vực nào trong suốt những năm tháng của cuộc đời.
Tổ chức Plan International cũng cho rằng, chỉ còn 10 năm để hoàn thành “Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030”, do đó, các quốc gia phải đầu tư vào trẻ em gái và phụ nữ ngay từ bây giờ. Thông điệp được tổ chức này đưa ra là trẻ em gái và phụ nữ sinh ra không chỉ để làm việc nhà. Hãy trao cơ hội cho họ được quyền quyết định và phát huy khả năng của mình.