Thực hiện tư tưởng Chiến lược của Nghị quyết, ngày 3/9/1975, Chính phủ ban hành Quyết định số 170 về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam - tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngày nay. Trải qua 40 năm, PVN đã phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, thể hiện vai trò là đầu tàu và chủ lực của nền kinh tế.
Đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội
Hơn 5 năm sau ngày thành lập (1975), tháng 6/1981, dòng khí đầu tiên của Việt Nam được đưa vào khai thác cung cấp nhiên liệu phục vụ cho phát triển công nghiệp nhẹ khu vực Tiền Hải - Thái Bình; và 10 năm sau ngày thành lập, ngày 26 tháng 6 năm 1986, tấn dầu đầu tiên của Việt Nam được khai thác từ mỏ Bạch Hổ. Kể từ đó, Việt Nam đã vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn có đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Từ những điểm mốc trên, đến nay, PVN đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ ở nước ngoài, với tổng lượng khai thác đến nay đạt trên 445 triệu tấn quy dầu. Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật công nghiệp khí hiện đại với 3 đường ống dẫn khí: Bể Cửu Long - Dinh Cố; Nam Côn Sơn 1 - Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1) và PM3 Cà Mau, gắn liền với các nhà máy chế biến khí, hạ tầng công nghiệp khí thấp áp... đang được vận hành an toàn và hiệu quả, hàng năm cung cấp trên 10 tỷ m3 khí. Các nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1,2; Nhơn Trạch 1,2; nhiệt điện than Vũng Áng 1; Nhà máy thủy điện Hủa Na, Đắkdring... với tổng công suất đạt trên 4.200 MW, được đưa vào vận hành hiệu quả, đến nay đã sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia trên 100 tỷ kWh.... Nhà máy lọc dầu và nhà máy PP Dung Quất - biểu tượng tiêu biểu của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam được đưa vào hoạt động từ năm 2009 đã ghi dấu mốc hoàn chỉnh cho quá trình xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Đến nay, Nhà máy đã sản xuất gần 30 triệu tấn sản phẩm xăng dầu, đáp ứng 30% nhu cầu nhiên/nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, giao thông và tiêu dùng của Nhân dân. Các dự án trọng điểm như dự án phát triển khai thác khí lô B, 48/95, 52/97; liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam... đang được PVN tích cực triển khai.
Bên cạnh đó, các dịch vụ kỹ thuật thăm dò khai thác dầu khí, xây lắp dầu khí, vận tải dầu khí... đã được hình thành, phát triển và có tỷ trọng đóng góp đáng kể vào doanh thu của Tập đoàn. Tổng doanh thu của PVN đã đạt gần 290 tỷ USD, luôn duy trì mức tăng trưởng doanh thu bình quân gần 20%/năm, tạo được nguồn vốn chủ sở hữu gần 405 tỷ đồng, tổng tải sản toàn tập đoàn 750.000 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước trên 87 tỷ USD, chiếm trung bình 25 - 28% tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm...
Và mở rộng hội nhập
Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, PVN đã ký kết 26 hợp đồng dầu khí, trong đó đang triển khai thực hiện 19 hợp đồng tại 14 nước trên thế giới. Kết quả bước đầu đạt được là năm 2006 Tập đoàn đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài (Lô PM 304 - Malaysia). PVN đang khai thác tại 10 mỏ ở nước ngoài, với sản lượng khai thác đã đạt được là gần 7 triệu tấn dầu, mang lại kết quả bước đầu cho công cuộc “vươn ra biển lớn”. Các dự án trọng điểm khác đang được PVN tích cực triển khai, như: Dự án khai thác dầu tại mỏ Nhenhetxky, dự án khai thác khí tại mỏ Nagumanov - LB Nga và đặc biệt mỏ Bir - Seba Algirea đã có tấn dầu đầu tiên từ tháng 8/2015.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, PVN đặt ra mục tiêu, xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp chủ lực của ngành dầu khí đất nước, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao; hoạt động hiệu quả, bền vững, giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho đất nước, mở rộng hợp tác đầu tư, khai thác tại các thị trường trên thế giới…
Phát biểu tại buổi Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập PVN mới đây, đánh giá cao sự đóng góp của ngành Dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chủ quyền biển đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu bằng cả sức lực, trí tuệ và mồ hôi, xương máu của cán bộ, nhân viên và người lao động đã đưa PVN vượt qua mọi khó khăn thách thức, xây dựng Tập đoàn ngày càng lớn mạnh. Tập đoàn cũng đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Khai thác dầu khí tại vùng biển phía Nam Việt Nam. Ảnh: Huy Hùng
|
Tổng tài sản của PVN (dự kiến đến 31/12/2015) sẽ đạt 800.000 tỷ đồng, tăng 334.000 tỷ đồng, tốc độ tăng tổng tài sản bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 12,1%/năm. Tổng vốn chủ sở hữu (dự kiến đến 31/12/2015) đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 182.000 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2010, tốc độ tăng vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 12,4%/năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm. |