Rươi còn có tên gọi là Rồng đất, là giống hải trùng chỉ có ở vùng nước lợ ven biển, hàng năm vào độ cuối thu, đầu đông, khi trời nắng như giữa mùa hè, lúc lại se lạnh tưởng đã sang đông, chính nhờ cái thời tiết ấy mà rươi chui ra khỏi đất vào mùa sinh sôi.
Chả rươi
Rươi dù ngon nhưng cũng phải biết cách chế biến mới lưu lại được dư vị riêng mà khó món ăn nào có được. Và trong nhiều món ăn từ rươi, dường như chả rươi vẫn là thức được ưa chuộng nhất. Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi trộn đúc trứng gà và hương thanh thanh của vỏ quýt cộng với rau húng hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Muốn có món chả rươi ngon tất cả các công đoạn đều phải tỷ mẩn từng chút một. Ngay từ khâu lựa chọn, cũng phải biết chọn những con rươi còn tươi, vẫn còn bơi được, thân mập, màu hồng. Rươi mang về sơ chế đơn giản bằng cách cho vào nước nóng già (nước sôi quá sẽ làm rươi vỡ bụng) gọi là "làm lông" rươi, sau đó giội qua nước lạnh cho sạch đất. Cho rươi vào bát dùng đũa đánh, khi thịt rươi đã nhuyễn, đập trứng và cho thịt lợn xay vào đánh thật đều. Chả rươi không thể thiếu vỏ quýt. Không biết tự bao giờ các bà, các mẹ tìm ra cách "se duyên" vỏ quýt với thịt rươi, chỉ biết rằng cái vị thanh thanh, đăng đắng của vỏ quýt làm dậy mùi món chả. Cầu kỳ hơn, sau khi trộn gia vị, rươi sẽ được hấp trên lá lốt trước rồi mới đem rán. Như vậy rươi vừa đậm, đượm mùi mà không bị cháy.
Hà Nội có nhiều quán ăn nổi tiếng nhờ chả rươi như ở phố Hàng Lược, Chả Cá, Gia Ngư, Hàng Điếu... Chả rươi ăn kèm với rau xà lách, lá húng, thêm đĩa bún và bát nước chấm với dưa góp, từng ấy thứ đủ để người ta nhớ mãi chút phong vị giao mùa của trời đất và chờ đón mùa rươi sau.