Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hai Bà Trưng: Chủ động hòa giải, giữ gìn an ninh khu phố

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đặc thù đông dân, phức tạp, nhiều khu dân cư có tỷ lệ lớn lao động tự do, song công tác hòa giải ở cơ sở của quận Hai Bà Trưng đã đạt được kết quả khả quan, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Tỷ lệ hòa giải thành đạt cao

Toàn quận Hai Bà Trưng có 216 tổ hòa giải với 1.321 hòa giải viên. Mỗi năm trên địa bàn quận xảy ra gần 300 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở khu dân cư, trong đó bình quân trên 75% vụ được hòa giải thành công. Riêng năm 2017, quận tiếp nhận 263 vụ việc, hòa giải thành công 229 vụ, chiếm hơn 87%, còn 20 vụ đang tiếp tục được giải quyết.

Một buổi họp của tổ hòa giải viên phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Điển hình, tại phường Thanh Nhàn, địa phương có nhiều người tạm trú, ngay từ đầu năm, Đảng ủy phường đã có nghị quyết tăng cường vai trò các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị trong công tác hòa giải nội bộ Nhân dân. UBND phường cũng có kế hoạch chỉ đạo các địa bàn cố gắng giải quyết mâu thuẫn, tránh phát sinh vụ lớn, đơn thư ra phường. Ngay khi xảy ra vụ việc, tổ trưởng và hòa giải viên đến tận nhà, cùng các thành phần địa bàn dân cư vận động Nhân dân. Năm 2017, các tổ hòa giải đã hòa giải 15 vụ mâu thuẫn, trong đó đã thành công 11 vụ việc.

“Hòa giải viên vào cuộc rất trách nhiệm ngay từ địa bàn nên UBND phường bớt nhiều vụ phức tạp phải giải quyết. Với những việc còn nhiều khúc mắc, họ đều xin ý kiến hướng dẫn của UBND phường. Năm 2018 với chủ đề của TP, UBND phường xác định hòa giải từ nội bộ Nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm, nên đã xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tổ hòa giải. Tổ trưởng tổ hòa giải kịp thời báo cáo về những mâu thuẫn trong Nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Thạch Bảo Khôi cho biết.

Cả hệ thống cùng tham gia

Đạt kết quả khả quan trong công tác hòa giải, theo Trưởng phòng Tư pháp quận Nguyễn Mạnh Hùng, trước tiên nhờ UBND quận thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng hòa giải viên. Năm qua, quận đã tổ chức 2 lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho hơn 300 tổ trưởng, tổ phó tổ hòa giải về Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 cũng như các kỹ năng hòa giải thực tế. Đồng thời chỉ đạo 20 phường xây dựng “Tổ hòa giải 5 tốt”… Các hòa giải viên lại là người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư, hiểu biết chính sách, pháp luật.

Đặc biệt, quận đã đầu tư trang bị sách pháp luật cho các tổ hòa giải, gồm 11 bộ luật, luật cơ bản điều chỉnh trực tiếp các vấn đề liên quan đến đời sống Nhân dân. Đây chính là trợ giúp đắc lực cho hòa giải viên nâng cao nghiệp vụ. “Người dân hiểu luật thì cán bộ mới dễ giải thích, vận động GPMB... góp phần giữ an ninh trật tự, hạn chế mâu thuẫn kéo dài, có thể dẫn đến phạm pháp” - ông Hùng nhận định.

Chia sẻ kinh nghiệm 15 năm giúp hòa giải nhiều vụ việc thành công, ông Bùi Dương - Tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư 8, phường Thanh Nhàn cho rằng: Nắm rõ vụ việc, ý kiến các bên, tìm hiểu gia cảnh họ, tổ trưởng tổ hòa giải nên kết hợp với tổ trưởng/tổ phó dân phố trực tiếp đến phân tích thấu tình đạt lý cho hai bên gia đình. 13 năm nay, khu đã huy động mọi tổ trưởng dân phố, cùng Phó Bí thư chi bộ (là Trưởng ban công tác mặt trận), cảnh sát khu vực, Tổ trưởng tổ bảo vệ làm hòa giải viên. Bởi lẽ, trong tổ dân phố có xích mích giữa các cá nhân, Tổ trưởng là người nắm chắc nhất, sẽ kịp thời báo cáo UBND phường. "Cả hệ thống tích cực vào cuộc, nên từ lâu khu tôi không có mâu thuẫn lớn” - ông Dương cho hay.