Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý an toàn thực phẩm "một cửa": Tiện cả đôi đường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đã hơn 2 năm Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực thi hành, nhưng sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành đang tạo ra những lỗ hổng khó chấp nhận.

 Để hạn chế những bất cập này và gỡ khó cho các cơ sở sản xuất, UBND TP Hà Nội đã có Dự thảo "Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn TP".

Rối bời quản lý

Theo phân cấp quản lý của Luật ATTP, một doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu phải chịu sự quản lý của ba ngành: Ngành công thương quản lý ATTP trong suốt quá trình chế biến bột và tinh bột; ngành nông nghiệp quản lý chế biến thịt, trứng, cá; ngành y tế quản lý phụ gia thực phẩm. Vì thế, nhiều doanh nghiệp than phiền: Trong thời gian ngắn mà phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra thuộc các ngành khác nhau, gây khó cho doanh nghiệp. Còn đối với các siêu thị, nguyên tắc là ngành công thương quản lý, nhưng vì kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm, nên việc xin giấy phép phải qua rất nhiều "cửa".

Quản lý an toàn thực phẩm "một cửa": Tiện cả đôi đường - Ảnh 1

Sản xuất bánh Trung thu sẽ chỉ qua “một cửa” quản lý.  Ảnh: Hải Lý

Còn có những mặt hàng, Luật ATTP lại "bỏ quên". Chẳng hạn, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên thuộc Bộ Y tế quản lý; Bộ Công Thương quản lý các loại rượu, bia, nước giải khát. Tuy nhiên, cũng doanh nghiệp đó, nhưng sản xuất thêm mặt hàng nước đá thì không biết ai quản lý mặt hàng này, vì chưa đơn vị nào được phân cấp. Thế nên hiện tại, ngành y tế "đành phải nhận quản lý" như lời của một nhà quản lý ATTP của Hà Nội. 

Có thể thấy, sự chồng chéo trong quản lý của các ngành đang gây nhiều thủ tục phiền hà đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Và khi phát hiện vi phạm, nhiều đơn vị lúng túng trong khâu xử lý. Ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (nay là Cục ATTP), Bộ Y tế nhận định, càng nhiều bộ, nhiều ngành quản lý càng rối rắm. Chính vì thế, chuyện gánh hàng rong, 3 bộ cùng quản nên hàng ăn rong vẫn gần như bị "bỏ rơi", không ai chịu trách nhiệm chính.

Phân cấp "một cửa"

Trước sự chồng chéo trong quản lý ATTP, Hà Nội đã có Dự thảo Phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn TP. Dự thảo đang xin ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình và khẳng định, cần thiết phải có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, vừa tiện cho quản lý, lại vừa đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.

Với 17 điều, trong đó có tới 13 điều quy định trách nhiệm chi tiết của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, Dự thảo tạo nên sự thống nhất trong quản lý Nhà nước về ATTP, bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tạo điều kiện để các đơn vị phối hợp chặt chẽ với nhau. Với nguyên tắc "một cửa", một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước, khi đó sẽ giải quyết được những bất cập trong quản lý hiện nay và có cơ sở để quy trách nhiệm khi vi phạm ATTP. Ông Lê Đức Thọ - Chi cục trưởng Chi cục ATTP Hà Nội lấy ví dụ, đối với doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu, hiện đang chịu nhiều ngành quản lý, tuy nhiên theo phân cấp mới, ngành công thương sẽ chịu trách nhiệm chính. Tương tự, với nhà hàng, ngành y tế chịu trách nhiệm chính…

Cùng với phân công trách nhiệm quản lý cho các ngành, theo Dự thảo, TP cũng sẽ phân cấp cho UBND các quận, huyện quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thực phẩm do địa phương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn UBND xã, phường, thị trấn thì chịu trách nhiệm về kinh doanh thức ăn đường phố.

Khi được hỏi ý kiến, nhiều chuyên gia thực phẩm cho rằng, việc phân công trách nhiệm quản lý theo "chiều dọc" (xuyên suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng được phân công) và cả "chiều ngang" (phân cấp cho UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh do đơn vị cấp chứng nhận), công tác quản lý ATTP hy vọng sẽ tốt hơn, hạn chế bỏ lọt đối tượng cần quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng "nhẹ nhàng" hơn khi bớt được các "cửa", các thủ tục xin giấy phép.