Trên địa bàn toàn TP có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 61 chợ chưa phân hạng, còn lại là chợ hạng 2, 3. Hiện tồn tại nhiều mô hình quản lý chợ, nhiều nhất do tổ quản lý chợ hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý gồm 239 chợ (52,6%), 102 chợ do DN quản lý (22,4%), 58 chợ do HTX quản lý (12,7%), chỉ còn 12,1% số chợ do Bản Quản lý chợ quản lý (55 chợ). Giai đoạn 2011 - 2016, TP đã huy động được một lượng lớn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ. Nhưng theo nhận định của lãnh đạo Sở Công Thương, đa số các chợ do hoạt động lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh ATTP… (thống kê có đến 224 chợ bán kiên cố và 128 chợ lán tạm).
Chợ Hàng Da được xây mới nhưng vẫn chưa thu hút các hộ kinh doanh và người dân vào chợ. Ảnh: Anh Tuấn |
Qua giám sát cho thấy, một số mô hình xây dựng chợ chưa phù hợp, chưa hiệu quả dẫn đến lãng phí đầu tư. Tại các địa phương, có nhiều chợ xây mới đảm bảo đủ yêu cầu về an toàn, vệ sinh, song vẫn gặp khó trong thu hút các hộ kinh doanh và người dân vào chợ như chợ Nghệ, chợ Mơ, trung tâm thương mại Thanh Trì, chợ Hàng Da, chợ Cầu Bươu... Công tác chuyển đổi mô hình chợ cũng chậm, quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai, minh bạch nên dẫn đến khiếu nại. Các DN chỉ muốn đầu tư các chợ có vị trí thương mại trong các quận và mô hình kết hợp nhiều loại hình nên khó khăn trong việc xây dựng mô hình chợ truyền thống và kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Cùng với đó, việc chuyển đổi còn gặp khó khăn do các hộ kinh doanh lo ngại sau khi DN, HTX vào quản lý sẽ tăng mức thu phí dịch vụ.
Với quan điểm vẫn phải lấy DN là trọng tâm trong chuyển đổi mô hình quản lý chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết: Sở đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, TP xem xét, coi loại hình chợ là loại hình hạ tầng xã hội (hiện nay chợ được coi là loại hình hạ tầng thương mại) từ đó có nhiều ưu đãi. Đồng thời rà soát quy trình, bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chuyển đổi từng hạng chợ…
Trước thực tế việc phân cấp quản lý vẫn còn những bất cập, các thành viên đoàn giám sát cho rằng: Nên có sự đánh giá rõ hiệu quả từng mô hình quản lý để có giải pháp hợp lý. Đồng thời làm rõ các nội dung quản lý của từng loại hình chợ, như quy định TP quản lý chợ hạng 1, nhưng thực tế quận, huyện vẫn phải chịu trách nhiệm về các vấn đề diễn ra trên địa bàn. Do đó, nên làm rõ trách nhiệm TP đến đâu, địa phương đến đâu trong quản lý. Nhiều ý kiến đề xuất, nên phân cấp toàn diện cho các quận, huyện, thị xã quản lý các chợ trên địa bàn, kể cả các chợ hạng 1, chợ đầu mối, kêu gọi đầu tư của các chợ hạng 2,3 dựa trên cơ sở thực tế.
Nhấn mạnh đến vai trò quản lý của địa phương đối với các chợ, Trưởng ban Kinh tế Ngân sách Phạm Thị Thanh Mai cũng đề xuất, từ những mô hình chuyển đổi, kêu gọi đầu tư thành công ở một số quận, huyện cần nhân rộng ra. Trong quá trình sửa quy định liên quan đến phát triển, quản lý chợ, nên nghiên cứu quy định về việc rà soát, phân loại lại hạng chợ định kỳ, tránh tình trạng chợ xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chí của hạng chợ đã được công nhận. Nếu không đáp ứng tiêu chuẩn phải hạ hạng. Đặc biệt lưu ý xây dựng lộ trình chuyển đổi quản lý, khai thác chợ đến năm 2020 phù hợp với từng loại hình chợ. Cùng với đó, các ngành liên quan cần quan tâm hơn đến những vấn đề còn yếu trong quản lý ATTP, phòng cháy chữa cháy, phân loại chất thải… tại các chợ.