Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: Văn bản pháp luật nhiều lỗ hổng

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Để có thể quản lý hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) đòi hỏi Chính phủ cần hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng phù hợp với thực tế.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Chỉ thị 02/CT-BCT về tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC do Bộ Công Thương tổ chức chiều 19/9.

Vẫn còn 500.000 người tham gia

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhằm ngăn chặn tình trạng DN BHĐC lợi dụng mô hình kinh doanh này để lừa đảo người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra, qua đó thu được kết quả nhất định. Cụ thể, tính đến đầu tháng 9/2016, số lượng DN BHĐC trên cả nước có Giấy chứng nhận (GCN) BHĐC đang hoạt động là 50 DN, giảm 17 DN so với năm 2015. Trong đó, có 9 DN bị thu hồi GCN, 6 DN có GCN bị chấm dứt hiệu lực và 2 DN tạm ngừng hoạt động.
Sau khi Bộ Công Thương ra chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp, đã có 48 Sở Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, qua đó xử phạt 26 DN BHĐC với số tiền 4,477 tỷ đồng. Tại TP Hà Nội, lực lượng chức năng qua kiểm tra các DN BHĐC đã phát hiện nhiều sai phạm, rút giấy chứng nhận đăng ký BHĐC của 8 DN, 5 DN chấm dứt hoạt động, 2 DN thông báo tạm dừng hoạt động. Đến nay, trên địa bàn TP chỉ còn 40 DN BHĐC hoạt động, giảm 15 DN so với cùng kỳ 2015. Mặc dù số lượng DN BHĐC đã giảm nhưng đến nay vẫn còn khoảng 500.000 người tham gia mạng lưới BHĐC tại 48 DN.
 Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long đã bị rút giấy phép kinh doanh.
Thực tế kiểm tra BHĐC cho thấy hành vi vi phạm của DN BHĐC chủ yếu là tổ chức BHĐC khi chưa có GCN; Thực hiện khuyến mại nhưng không đăng ký với cơ quan Nhà nước. Đồng thời không niêm yết giá hàng hóa theo quy định; Vi phạm về nhãn hàng hóa và không có GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP; Thiết lập website BHĐC nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều DN không thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ về hoạt động BHĐC với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Không cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật cho người dự định tham gia mạng lưới BHĐC của DN.

Xử lý sai phạm ngay từ khi manh nha

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cũng nêu ý kiến cho rằng, văn bản pháp luật quản lý BHĐC hiện có nhiều lỗ hổng đã gây khó khăn trong quản lý hoạt động BHĐC.
Phản ánh của Sở Công Thương các tỉnh, TP cho thấy: Việc quy định DN không cần có chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại địa phương đang gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác giám sát, quản lý, kiểm tra cũng như không thể xác định được địa điểm kinh doanh của DN tại địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Để qua mặt cơ quan chức năng, một số cá nhân, tổ chức BHĐC đã chuyển hoạt động BHĐC thành kinh doanh tiền ảo, hô hào góp vốn để đầu tư vào các dự án "bánh vẽ" như bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Tất cả đều có một đặc điểm chung là huy động tài chính, lấy tiền của người sau để trả cho người trước. Kiểu kinh doanh này là kinh doanh trái phép, đã bị luật pháp nghiêm cấm.  “Tuy nhiên, do Bộ luật Hình sự đã xóa bỏ tội kinh doanh trái phép nên hiện nay chúng ta không có chế tài để xử lý các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì đã quá muộn" - ông Hải nêu rõ.
Đồng tình với những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, hiện các mức xử phạt quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý BHĐC chưa đủ sức răn đe. Nhằm khắc phục bất cập này, tới đây, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các văn bản, chính sách quản lý và trong thời gian đó, phải siết chặt, hạn chế cấp phép mới BHĐC. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP theo hướng hoàn thiện khung khổ pháp lý quản lý hoạt động BHĐC, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng xử lý những sai phạm của BHĐC ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện.