Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 quận Hà Đông: Sau khi kiểm tra toàn bộ 78 nhà cao tầng trên địa bàn, trong đó có 67 tòa nhà đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. Như vậy, Hà Đông còn 11 tòa nhà chưa được nghiệm thu đưa hệ thống PCCC vào sử dụng. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì hậu quả khó lường giống như tòa nhà Carina Plaza, TP Hồ Chí Minh.
Những sai sót của chủ đầu tư về hạ tầng hệ thống PCCC chưa được cơ quan PCCC thẩm duyệt, chúng tôi sẽ không bàn đến trong loạt bài này.
Thực tế đặt ra tại nhiều chung cư không chỉ có thiết bị yếu kém mà ngay cả người vận hành, sử dụng cũng thiếu kiến thức về vận hành các hệ thống PCCC.
|
Thiết bị PCCC chưa được nghiệm thu bàn giao cho BQT tại tòa nhà Sông Đà, khiến chúng bị xuống cấp nghiêm trọng. Dẫn đến việc mất tác dụng trong cứu hỏa. |
Phản ánh của Phòng Cảnh sát PC&CC số 9: Công tác quản lý, đảm bảo an toàn PCCC có trách nhiệm lớn nhất ở người sử dụng và vận hành, trực tiếp là các chủ đầu tư (CĐT), ban quản trị (BQT), ban quản lý (BQL) và từng người dân sống trong các tòa nhà cao tầng. Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ đều do ý thức của mỗi người dân gây ra như: Sử dụng, quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất cháy trong mỗi căn hộ hoặc trực tiếp tại các khu vực công cộng như tầng hầm, tầng sử dụng chung… không đảm bảo an toàn PCCC.
|
Chuông báo cháy của toà nhà Sông Đà, Hà Đông chưa được hoàn thiện nên 5 tháng nay không hoạt động. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi có hỏa hoạn không báo cho cư dân thoát nạn. |
Đối với cư dân đa số còn chủ quan, không nắm bắt được kiến thức về PCCC, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có cháy xảy ra. Trong quá trình vận hành, hoạt động của tòa nhà, một số tầng còn hiện tượng khóa cửa buồng thang bộ, khóa lối thoát nạn lên các tầng mái chỉ vì mục đích đảm bảo an ninh trật tự, điều này trực tiếp ảnh hưởng lối thoát nạn trong tòa nhà hoặc một số tầng, người dân tự ý mở cửa buồng thang bộ và chèn lại chỉ để cho thoáng và đi lại thuận tiện giữa các tầng.
|
Tòa nhà Carina Plaza các thiết bị PCCC bị vô hiệu hóa nên dẫn đến hậu quả khôn lường. |
Một hành động nhỏ do vô tình, nói cách khác là thiếu kiến thức về PCCC, nhưng lại gây hậu quả lớn khi xảy ra cháy nổ. Vì cửa buồng thang bộ mở sẽ làm mất tác dụng ngăn khói, lửa lùa vào buồng thang bộ. Như vậy, khi xảy ra cháy khói xông thẳng vào buồng thang bộ nếu cư dân đi vào đó thoát nạn sẽ bị ngạt khí giống như tình trạng ở tòa nhà Carina Plaza.
Theo đại diện một cảnh sát PCCC trực tiếp trao đổi về kỹ thuật PCCC, kỹ năng thoát nạn cho người dân: Khi tòa nhà chung cao tầng thiết kế đúng tiêu chuẩn về PCCC thì buồng thang bộ là nơi người dân trú ẩn và có thể thoát nạn ra khỏi tòa nhà an toàn nhất khi có cháy nổ xảy ra.
|
Cửa mở sẽ làm buồng thang bộ thoát nạn mất tác dụng khi có cháy. |
|
Cửa buồng thang bộ luôn phải đóng kín mới ngăn được khói, tránh cho người thoát nạn vào đây không bị nhiễm độc khói. |
Cùng với đó, trong quá trình kiểm tra một số tòa nhà đơn vị vận hành đã tự chuyển chế độ bơm nước tự động sang chế độ bơm vận hành. Như vậy, khi xảy ra cháy nổ thì máy bơm không tự động bơm mà phải có sự vận hành mới chạy. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm thời gian dập tắt đám cháy.
Theo đánh giá của cơ quan PCCC thì đám cháy khi mới xảy ra dưới 10 phút dễ khống chế. Còn khi đám cháy đã trên 10 phút, kết hợp với địa hình, chất liệu cháy và tác động của gió sẽ khó khống chế, nó gây ra hậu quả nghiêm trọng khó dập được lửa.
Những hành vi kể trên chính là do người dân chưa hiểu hết công năng của các thiết bị PCCC. Ngay cả các thành viên BQT, BQL ở một số đơn vị trực tiếp vận hành nhà chung cư cũng chưa nắm chắc về những kiến thức PCCC, do đó đã để lỗi kể trên xảy ra mà không có biện pháp nhắc nhở cư dân.