Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6.000 loại phân bón khác nhau. Do quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn.
Khó kiểm soát chất lượng, phân bón giả không sợ phạt
Với sản xuất nông nghiệp, "nhất nước, nhì phân" nên dùng phân bón tốt, đúng cách có thể nâng cao năng suất cây trồng thêm 30%-40%. Nhưng nếu không may dùng phải phân bón giả, kém chất lượng, năng suất cây trồng bị ảnh hướng xấu, đôi khi còn khiến cây trồng bị chết.
Các loại cây trồng hiện nay đều phải có phân bón mới cho năng suất, chất lượng cao. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính lượng nhập khẩu phân bón các loại trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 3,13 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 984 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và tăng 4,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, mặc dù thị phần thấp hơn năm 2014 nhưng vẫn chiếm tới 47% tổng giá trị nhập khẩu.
Việc nhập khẩu chủ yếu từ thị trường phụ thuộc nhiều vào tiểu ngạch này cũng khiến chất lượng phân bón càng khó kiểm soát ngay từ đầu vào. Trong lúc đó, lợi nhuận do kinh doanh phân bón ngày một gia tăng theo số lượng các công ty chỉ xuất hiện với vai trò đại lý ngày càng nhiều.
Lợi nhuận này còn lớn tới mức gần đây hiện tượng bán hàng đa cấp đã xuất hiện tại miền Trung-Tây Nguyên với những hứa hẹn hấp dẫn tới người nông dân, như chỉ mua phân bón và rủ người cùng mua thì nhanh chóng có nhà lầu, xe hơi…
Quay trở về với việc quản lý chất lượng phân bón hiện nay, với mức phạt chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng so với lợi nhuận mang lại từ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, chẳng thấm tháp gì, nên việc sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan.
Không những thế, điều bất cập nhất trong quản lý phân bón là nếu nghi ngờ về chất lượng phân bón cần lấy mẫu để đi kiểm tra tại phòng thí nghiệm và thời gian không phải tính theo giờ được. Chính vì vậy, không ít các trường hợp từ lúc kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm cho đến lúc phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì số lượng phân bón trên đã được các cơ sở sản xuất, kinh doanh đưa đi tiêu thụ hết.
Cho dù trong trường hợp nào thì người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Nặng nề hơn, phân bón giả và kém chất lượng không những làm người dân mất mùa mà còn làm hỏng chất lượng đất một thời gian dài sau đó.
Phân công chi tiết vẫn cần “chung tay”
Là 1 trong số 14 mặt hàng quan trọng thuộc danh mục Nhà nước bình ổn giá, đồng thời phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng lĩnh vực quản lý phân bón luôn phức tạp.
Với những diễn biến nhanh chóng của thị trường nhưng phải đảm tính khả thi của văn bản hướng dẫn, cơ quan ban hành đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức cho quá trình soạn thảo. Vì vậy, so với hiệu lực thi hành của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2014) thì thời hạn ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT và Thông tư số 41/2014/TT-BNNPTNT đã bị chậm. Nhưng sự chậm chắc này đã cho ra được sự phân công cụ thể hơn.
Nghị định 202 đã quy định rõ ràng Bộ Công Thương “quản” phân bón vô cơ còn Bộ NN&PTNT “quản” phân bón hữu cơ. Chi tiết hơn nữa, theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Nghị định số 202 nêu rõ: “Phân bón khác là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ hoặc các loại phân bón khác không thuộc loại phân bón quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này” thì các loại phân bón là hỗn hợp của phân hữu cơ và phân vô cơ được xếp vào nhóm phân bón khác. Đồng thời, tại khoản 3, Điều 4 của Nghị định này quy định Bộ NN&PTNT là cơ quan có trách nhiệm thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Tính theo thời điểm có hiệu lực thi hành của các văn bản này thì việc quản lý phân bón đã triển khai thực hiện được gần 1 năm. Bộ Công Thương nhìn nhận, khoảng thời gian này chưa đủ để đánh giá được hết tình hình thực tế về quản lý phân bón trên địa bàn cả nước. Thời gian tới, trên cơ sở tình hình thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT để tiến hành đánh giá quá trình thực thi pháp luật về quản lý phân bón, làm căn cứ để điều chỉnh các quy định quản lý phân bón cho phù hợp hơn.
Để hạn chế các loại phân bón giả, kém chất lượng, hiện nay nhiều trung tâm khuyến nông tại địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân tận dụng các phế phẩm nông nghiệp ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng và giảm phân vô cơ. Đây cũng là xu hướng sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường đang được thế giới khuyến khích và hướng đến.
Tuy vậy, trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa thì các nguyên liệu sẵn có không thể đáp ứng được việc sản xuất đại trà trên diện tích lớn. Vì vậy, khó có thể cưỡng lại xu hướng dùng phân bón để đạt chất lượng và năng suất cho cây trồng. Nhưng để tránh thiệt hại cho người nông dân và đất đai canh tác, việc quản lý cần được làm mạnh mẽ hơn nữa từ chính động thái của các cơ quan quản lý tại địa phương. Không thể ngồi trông chờ hiệu lực, hiệu quả thi hành của những thông tư chỉ mới ban hành 1 năm nay trong sự phát triển như vũ bão của thị trường sôi động nhất về vật tư nông nghiệp hiện nay.
Ảnh minh họa.
|