PGS-TS Phạm Quang Thao-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư và Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà chủ trì buổi làm việc.
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà, khái niệm “quản lý phát triển xã hội” lần đầu được Đảng đưa vào văn kiện Đại hội XII, thể hiện cách tiếp cận mới trong quản trị phát triển quốc gia. Điều này xuất phát từ nhu cầu khỏa lấp những khiếm khuyết của quản lý phát triển xã hội chưa đồng bộ với quản lý phát triển các phân hệ-lĩnh vực khác của đời sống; từ yêu cầu quản trị biến đổi xã hội nhất là những vấn đề xã hội mới phát sinh... Với vị thế Thủ đô, Hà Nội luôn được T.Ư quan tâm định hướng, chỉ đạo; những nghị quyết và Pháp lệnh Thủ đô năm 2000, Luật Thủ đô năm 2012 là cơ sở pháp lý quan trọng để TP xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển xã hội phù hợp bối cảnh mới.
|
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà phát biểu tại buổi làm việc. |
“Đại diện các sở, ban, ngành TP trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm từ quá trình triển khai, tổ chức thực hiện trên địa bàn để trao đổi thật cụ thể, giúp các cơ quan T.Ư tham mưu cho T.Ư Đảng, Chính phủ những luận cứ khoa học có giá trị phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đạt kết quả cao hơn trong quản lý phát triển xã hội”, đồng chí nêu rõ.
Tham luận tại đây, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội Nguyễn Văn Hoạt cho rằng, để làm tốt hơn quản lý phát triển xã hội ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng, trước hết cần tăng cường lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất là của hệ thống chính trị ở cơ sở phù hợp tình hình hiện nay. Trong đó, chú trọng hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh CNTT trong quản lý, tăng chất lượng cán bộ thực hiện chính sách xã hội, phát huy hoạt động các nhóm thiện nguyện để chia sẻ khó khăn từ những vấn đề phát sinh nhỏ lẻ trong xã hội. Trong bối cảnh đã có Luật Thủ đô nên riêng một số lĩnh vực như giáo dục, Hà Nội cần có chính sách phát triển đặc thù.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đề xuất có điều chỉnh chính sách phù hợp trong quản lý nhà nước về y tế hiện nay, nhất là với y tế cơ sở, thực hiện tự chủ các đơn vị…
Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD&ĐT) Nguyễn Văn Cẩn đề nghị tháo gỡ nhiều khó khăn trong bố trí nhân lực giáo viên đáp ứng nhu cầu tăng trường, tăng lớp tại Hà Nội.
Cùng với đó, nhiều ý kiến kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa Chính phủ và các bộ, ngành, TP, đặc biệt về quản lý đất đai. T.Ư cần rà soát giải quyết những bức xúc trong Nhân dân, nhất là về khiếu nại tố cáo đối với cán bộ, đảm bảo minh bạch, nhằm ngăn ngừa, hạn chế phát sinh khiếu kiện. Bên cạnh điều chỉnh quy hoạch cục bộ các khu đô thị, việc quản lý TTXDĐT tại TP cũng đang gặp bất cập về đội ngũ chuyên ngành quản lý, cần được tháo gỡ. Ngoài ra, Bộ TN&MT cần phối hợp gỡ vướng trong GPMB cho TP, nhằm giảm khiếu kiện của người dân.
Tại buổi làm việc, đoàn khảo sát đánh giá việc quản lý phát triển xã hội trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã đạt kết quả tích cực, song còn nhiều bất cập, nhất là về quản trị xã hội, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Lãnh đạo các sở, ngành đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực, góp phần để nhóm nghiên cứu đề tài đánh giá 5 năm qua đã đạt được kết quả và còn hạn chế gì, từ đó sẽ có những quan điểm, giải pháp phù hợp hơn.