Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn: Khắc phục tính dàn trải, chắp vá

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các huyện, thị xã bám sát Quy hoạch (QH) chung xây dựng Thủ đô để quản lý. Qua đó việc thực hiện, triển khai các dự án bám sát QH ở nhiều địa phương đạt những kết quả bước đầu. Song giám sát thực tế tại khu vực nông thôn của TP cũng cho thấy, công tác này còn bộc lộ không ít hạn chế, vướng mắc, nhất là ở cấp xã.

 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi giám sát huyện Thạch Thất. 
Thiếu dự báo, liên kết
Qua giám sát thực tế mới đây của Thường trực HĐND TP cho thấy, công tác QH xây dựng phát triển nông thôn của TP được thực hiện theo đề án của Chính phủ về xây dựng NTM; quy hoạch NTM của cả 401 xã được lập, phê duyệt trong giai đoạn 2008 - 2012 khi QH chung xây dựng huyện chưa được lập, phê duyệt... Do đó, tại nhiều huyện như Gia Lâm, Phú Xuyên, thị xã Sơn Tây… có những điểm bất cập giữa QH tổng thể và QH chi tiết như các mạng lưới chợ, giết mổ tập trung, thoát nước... Chất lượng nhiều đồ án QH xây dựng NTM các xã lập trước đây cũng hạn chế, chưa dự báo được quy mô phát triển dân số, hạ tầng kỹ thuật khung chưa khớp nối đồng bộ. Nhiều nơi chưa lập QH trung tâm xã, QH điểm dân cư nông thôn, chưa quan tâm điểm dân cư hiện hữu; mạng lưới điểm dân cư chồng lấn, không thống nhất với QH ngành, như ở Gia Lâm, Ba Vì, Sóc Sơn…
Tiến độ, chất lượng QH xây dựng ở nhiều huyện, xã chưa đáp ứng yêu cầu; chỗ cần đường thì chưa có trong QH, chỗ cần tiết kiệm đất thì mật độ đường quá lớn… Các sở cần lưu ý bất cập này để tham mưu cho TP, hướng dẫn các đơn vị lập, triển khai công tác QH đảm bảo, đáp ứng yêu cầu phục vụ quản lý.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Vân Nga
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân nhận định, tại nhiều huyện thiếu cán bộ về QH xây dựng hoặc năng lực cán bộ trong lĩnh vực này còn hạn chế, đây là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng thẩm định QH chưa cao, tầm nhìn và dự báo QH xây dựng nông thôn thiếu tính toán đầy đủ xu hướng phát triển, quản lý theo hướng văn minh đô thị. Đồng thời, QH chung của các xã trong từng huyện chưa có liên kết vùng, đồng bộ hạ tầng. Thậm chí tại 5 huyện đã có đề án lên quận, công tác rà soát điều chỉnh QH thiếu thống nhất trong tổ chức thực hiện, chưa có định hướng tổng thể phù hợp yêu cầu quản lý khi chuyển tiếp huyện thành quận. Đa số xã khu vực phát triển đô thị thuộc 5 huyện này cũng chưa có QH chi tiết trung tâm xã, QH chi tiết khu dân cư hiện có tỷ lệ 1/500, nên rất khó quản lý cấp phép, trật tự xây dựng theo QH.
Trong khi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, quy định ranh giới QH ở nông thôn giới hạn từ 15 - 20ha, nhưng nhiều xã thiếu quỹ đất khu trung tâm nên không thể mở rộng QH để phát triển hạ tầng xã hội. Hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, giao thông, thủy lợi nhiều xã còn chắp vá, gây nhiều khó khăn khi thực hiện QH khớp nối hạ tầng. Còn tại Thạch Thất, vướng mắc lớn là 3 xã Yên Bình, Tiến Xuân, Thạch Hòa có 80% diện tích nằm trong vùng QH Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nên huyện chưa thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung. “Người dân rất muốn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhưng phải chờ phê duyệt QH Khu đô thị này, nên ảnh hưởng đến thực hiện xây dựng NTM”- Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần chia sẻ.
Quy hoạch phải ổn định, đi trước một bước
Từ thực tế nhiều bất cập, đoàn giám sát kiến nghị T.Ư sớm quy định cụ thể quy chế quản lý QH kiến trúc khu vực nông thôn; hướng dẫn quy trình lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ với từng loại hình QH nông thôn. Từ nay đến 2021, UBND TP cần tập trung chỉ đạo hoàn thành điều chỉnh với các loại hình QH theo hướng tích hợp, song song, đồng bộ. Trong đó, tại các huyện đã có đề án lên quận giai đoạn đến 2025 không lập QH xây dựng vùng huyện, QH chung xây dựng xã mà triển khai song song các QH phân khu đô thị, QH chi tiết trung tâm xã và điểm dân cư hiện có, điểm dân cư đô thị; nâng cao quỹ đất trường học, y tế… để đáp ứng tiêu chí thành phường.
Với 5 huyện chuẩn bị thành quận, sẽ rất khó khăn nếu cứ “áp” tiêu chí NTM khi QH. TP cần có tầm nhìn QH xa hơn, QH đi trước một bước. Nhất là chất lượng nhân sự cho công tác QH, quản lý xây dựng ở nông thôn có nhiều bất ổn, nên Sở Nội vụ, Sở QH-KT cần quan tâm hơn đến vấn đề này, cần thì luân chuyển cán bộ. Cùng với bố trí ngân sách, cần lưu ý cơ chế sử dụng, trong đó có cơ chế để các huyện liên kết, thuê được đối tác nước ngoài tốt.
Ủy viên Ban Đô thị HĐND TP, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức
Sở QH-KT cần chủ trì xây dựng, hướng dẫn các huyện nội dung, phương pháp QH theo hướng tích hợp, lồng ghép trong rà soát, đề xuất với QH xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, QH nông thôn. Sở cũng cần tham mưu TP báo cáo các bộ phát triển “Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020” (theo Quyết định 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017) thành Nghị định để Hà Nội áp dụng cho các huyện thành quận trong quá trình đô thị hóa; cùng Sở Xây dựng đẩy mạnh thanh tra, xử lý dứt điểm vi phạm trong công tác lập, quản lý QH, xây dựng. Với các huyện, cần tăng cường giáo dục pháp luật về QH xây dựng, quản lý QH; kiểm soát phát triển theo QH được duyệt; lấy ý kiến cộng đồng khi lập, điều chỉnh QH…
Trước những tồn tại được chỉ ra, Phó Giám đốc Sở QH - KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay, Sở sẽ sớm ban hành tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho các huyện, nhất là 5 huyện khu vực đô thị trung tâm; đề nghị TP xem xét cho phép bố trí kinh phí. Còn theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, những hạn chế hiện nay do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cần phối hợp giải quyết, gỡ khó trong thực hiện luật, nghị định. Trong đó, QH xây dựng NTM đang đi trước QH chung, QH phân khu rõ ràng là tồn tại cần xử lý; các chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần đề xuất cụ thể cho từng đồ án QH NTM. Với 5 huyện sắp lên quận, chắc chắn không điều chỉnh QH NTM nữa mà triển khai QH đô thị luôn, trong đó cần quan tâm hạ tầng, vấn đề bảo tồn; rà soát dự án chậm triển khai, cần thì thu hồi… TP đã giao Sở Nội vụ củng cố hệ thống phòng Quản lý đô thị quận, huyện nhằm nâng cao chất lượng cán bộ.
Nhấn mạnh công tác QH xây dựng nông thôn luôn được TP rất quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đề nghị UBND TP, sở, ngành tích cực rà soát việc chấp hành pháp luật, quy định mới, với quan điểm QH phải đi vào cuộc sống, mang tính ổn định lâu dài, đi trước một bước; không thể cứ sau một thời gian lại điều chỉnh. Với QH các vùng trung tâm xã, điểm dân cư, huyện tới đây lên quận... cũng cần cách thức hiệu quả để quản lý cấp phép; các huyện cần tích cực phối hợp với Sở QH - KT để tập huấn cán bộ. “Đặc biệt, cần tập trung nguồn lực, rà soát về kinh phí cho QH, nhất là bố trí cho các đồ án từ huyện lên quận. Không thể “QH đi trước một bước” mà khi đề cập kinh phí thì bảo không có. Huyện lên quận, xã lên phường cần giải rất nhiều bài toán về nguồn lực, nên TP cần có chuyên đề cụ thể để thực hiện” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP nhấn mạnh.

QH nông thôn nhiều xã đang chú trọng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật mà chưa chú trọng bảo tồn di sản cho tương xứng. Trong khi, TP có số di tích rất lớn nhưng chưa tới một nửa được xếp hạng, nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, cần quan tâm hơn vấn đề bảo tồn phát triển trong QH nông thôn.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình

Năm nay, Đông Anh phải GPMB tới 176 dự án, tức khoảng 2 dự án/ngày. Cán bộ làm ngày làm đêm, rất cố gắng, nhưng chỉ lo thay đổi chính sách sẽ khiến cán bộ rất vất vả. Rất mong TP nếu thay đổi chính sách thì trong một dự án vẫn cho áp dụng cùng một chính sách, nếu không huyện sẽ có nguy cơ “vỡ trận”. Đảng viên luôn tiên phong chấp hành, song giá bồi thường chỉ tăng một chút thôi thì người đi sau lại được hưởng lợi trước, nên TP cần ổn định chính sách, áp dụng đồng bộ.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên