Đại diện Ban tổ chức cho biết, dù chính quyền các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đã lập kế hoạch triển khai từ nhiều năm nay nhưng các dự án chung cư cũ vẫn đang rơi vào bế tắc.
Ông Nguyễn Trọng Ninh- Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước còn gần 1.690 chung cư cũ cao và thấp tầng, trong đó Hà Nội chiếm 1.155 nhà. Sau 10 năm nỗ lực thực hiện chủ trương cải tạo, đến nay Hà Nội mới chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ (đạt tỷ lệ khoảng 1%).
Theo ông Phạm Sỹ Liêm- Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc tái thiết chung cư chậm trễ như vừa qua là do chính sách tái thiết chung cư cũ hiện hành quá đề cao vai trò của các chủ đầu tư tư nhân mà thiếu coi trọng đúng mức vai trò của cộng đồng chung cư, còn vai trò của chính quyền đô thị lại chưa thật rõ ràng.
Mặc dù vậy, nói về những khó khăn trong giải phóng mặt bằng trong cải tạo chung cư cũ, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm, quyền lợi của người dân, đặc biệt lưu ý các đối tượng lấn chiếm các diện tích tầng 1, tầng mái và xử lý kiên quyết.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cần quan tâm không gian công cộng trong quá trình cải tạo chung cư cũ. Theo Th.S Nguyễn Hồng Hạnh, Phó viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Kinh tế xây dựng và Đô thị, tái thiết chung cư cũ có thể nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm độ xây dựng với khả năng dung nạp phù hợp với quy định của quy hoạch chung đô thị, để tạo thêm quỹ đất cho các không gian công cộng như cây xanh, thảm đỏ, vườn hoa, đường dạo.... Ngoài ra, cần một giải pháp tổng thể là xây dựng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao như “Luật Tái thiết đô thị”.
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng để vượt qua những thách thức trong công cuộc tái thiết chung cư cũ, cần thực hiện phương châm “Cộng đồng chung cư làm chủ, chính quyền đô thị tạo điều kiện và giúp đỡ, DN bất động sản tham gia”.
Chung cư C8 Giảng Võ
|