Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, đây là dịp để toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ tưởng nhớ và tri ân công lao trời biển của Người đối với dân tộc Việt Nam; Là dịp để toàn thể Nhân dân tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Qua đó, hun đúc thêm niềm tin và khát vọng vươn lên của dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường như mong ước của Bác lúc sinh thời.
Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao hơn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo một cách đồng bộ, thống nhất, đảm bảo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy các cấp. Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đề nghị các đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết nhiệm vụ khó khăn, phức tạp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao theo nội dung đăng ký được Ban Thường vụ Quận ủy phê duyệt, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu...
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của HĐND quận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội quận, cơ sở và Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện quy định nêu gương, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Trước đó, ngày 24/11/1946, Nhân dân xã Phú Thượng đã vinh dự đón Bác về thăm lần thứ hai. Với vai trò như một “bảo tàng ký ức” lưu giữ kỷ niệm quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà của gia đình cụ Nguyễn Thị An hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Người lưu lại đây. Ngôi nhà đã được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996.
Gia đình cụ Nguyễn Thị An (vợ cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm) là cơ sở cách mạng tin cậy nằm trong An toàn khu của T.Ư Đảng giai đoạn 1941 - 1945. Nơi đây đã nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng... và được chọn làm điểm Bác dừng chân nghỉ đầu tiên khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, từ ngày 23 đến 25/8/1945, để chuẩn bị cho việc ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.