Xác định những điểm nghẽn
Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, thời gian qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tư pháp của quận trong thực hiện các quy định của pháp luật được triển khai chặt chẽ. Nhiều vụ việc khó, phức tạp như di dời các phương tiện thủy nội địa đang neo đậu tại khu vực đầm Bảy ra khỏi Hồ Tây được các cơ quan liên ngành tư pháp quận tháo gỡ, giải quyết quyết liệt. Từ đó góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, trong công tác phối hợp giữa các lực lượng vẫn còn bộc lộ một số bất cập gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ việc. Đơn cử, việc trao đổi, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vụ án, xác minh tin báo tố giác tội phạm còn thiếu nền nếp. Công tác phối hợp trao đổi thông tin, quan điểm xử lý giữa thẩm phán – kiểm sát viên – điều tra viên trong việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, bổ sung tài liệu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử chưa thành vấn đề mang tính nguyên tắc theo Thông tư liên tịch số 02.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp khám nghiệm hiện trường, xử lý các vụ án, vụ việc tai nạn giao thông giữa Cơ quan CSĐT – Công an quận với Đội 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội còn bất cập, chồng chéo. Công tác giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, lao động, kinh tế, kinh doanh thương mại vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc chấp hành về thời hạn chuyển giao hồ sơ, tài liệu, các quyết định tố tụng, lịch phiên họp, phiên tòa…
Từ thực tế trên, liên ngành tư pháp quận Tây Hồ đã phối hợp với Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội quyết định ban hành các quy chế phối hợp để giải quyết căn bản, toàn diện các tồn tại thiếu sót nêu trên. Qua đó đưa công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng đạt hiệu quả một cách thực chất và bài bản. Cụ thể, quận Tây Hồ đã tổ chức ký Quy chế phối hợp giữa Công an – Viện kiểm sát Nhân dân – Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; Quy chế phối hợp giữa Công an – Viện kiểm sát Nhân dân quận Tây Hồ trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Liên ngành đã tổ chức ký Quy chế phối hợp giữa Viện kiểm sát Nhân dân – Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ trong công tác giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, những việc khác theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là Quy chế giữa Công an – Viện kiểm sát Nhân dân quận - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội trong công tác điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc tai nạn giao thông đường bộ xảy ra trên địa bàn quận Tây Hồ.
Nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, trong thời gian qua, liên ngành tư pháp quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, dân sự… để từng bước giải quyết các vụ án khó, phức tạp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại, bất cập và để khắc phục thì việc tổ chức ký kết các quy chế phối hợp là hết sức cần thiết.
Cụ thể, việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, tạm giữ điều tra, truy tố xét xử và thi hành án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.
Để các chương trình cải cách tư pháp đem lại hiệu quả thiết thực, bền vững, Bí thư Quận ủy Tây Hồ yêu cầu thủ trưởng các cơ quan tố tụng của quận quán triệt, triển khai thực hiện nội dung quy chế phối hợp tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả, thực chất. Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả công tác phối hợp, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Từ đó tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.