Cụ thể: Phí tham quan danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng tại đảo Lớn (xã An Hải và An Vĩnh) là 100 nghìn đồng/người/lượt; Phí tham quan danh lam thắng cảnh tại đảo Bé (xã An Bình) là 50 nghìn đồng/người/lượt. Mức thu phí này áp dụng thống nhất đối với người Việt Nam và người nước ngoài.
Đối tượng được miễn thu phí là trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng và người dân huyện Lý Sơn. Trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi; sinh viên, học sinh của các trường đại học cao đẳng, trung cấp, THPT, dạy nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi do trường tổ chức tham quan có đăng ký với UBND huyện Lý Sơn thì được giảm 50% mức phí.
Huyện Lý Sơn hiện có 24 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia với nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại chưa đáp ứng kịp thời để đánh thức tiềm năng, khai thác hiệu quả các giá trị của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Nghị quyết này nhằm huy động đóng góp của khách đến đảo Lý Sơn để chi cho việc bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích, công trình bảo tàng, văn hóa; bảo vệ môi trường sinh thái; đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ và các nhu cầu khác để phục vụ khách và nhân dân trên đảo.
Tuy đồng tình với việc ban hành Nghị quyết nhưng nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn như mức thu phí này cao so với mặt bằng chung cả nước, cần phải tính toán mức giá thu phí hợp lý hơn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương và du khách.
Trước những băn khoăn của các đại biểu, lãnh đạo huyện Lý Sơn, Sở Tài chính và UBND tỉnh đã giải trình và làm rõ những nội dung có liên quan; đồng thời, cũng khẳng định mức thu phí này đã được bàn bạc, tính toán kỹ và phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng tại kỳ họp, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thống nhất sắp xếp, sáp nhập 373 thôn, tổ dân phố và đổi tên 1 thôn, 2 tổ dân phố thuộc 13 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. sau khi sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi còn 954 thôn, tổ dân phố (834 thôn, 120 tổ dân phố), giảm 202 thôn, tổ dân phố.
Ngoài ra, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi còn thảo luận và thông qua nhiều tờ trình quan trọng khác như: Điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án trục đường đường chính trung tâm huyện Lý Sơn; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm y tế Quân Dân y kết hợp huyện Lý Sơn; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý được luân chuyển điều động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi…