Quảng Ngãi: Luồng lạch cạn, hàng trăm tàu cá phải ly hương
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Luồng lạch cạn, hàng trăm tàu cá phải ly hương

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng trăm tàu cá công suất lớn phải đi “ở nhờ” nơi khác vì cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nặng. Không những gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản, tình trạng trên còn “kéo” hậu cần nghề cá của các xã Nghĩa An, Nghĩa Phú sa sút trầm trọng.

Ngư dân trăn trở vì phải đi "gửi" thuyền

Từng là khu vực sầm uất, nơi hàng nghìn tàu thuyền của cư dân địa phương và nhiều tỉnh, thành khác về bán hải sản, nhập nguyên, nhiên liệu, thế nhưng những năm gần đây, cửa biển Cổ Lũy (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) lại khá đìu hiu. Tại khu vực này, những con tàu công suất lớn, khai thác xa bờ hoàn toàn vắng bóng, chỉ còn các tàu nhỏ hoạt động gần bờ.

Tình trạng bồi lấp khiến tàu cá ra- vào khó khăn.
Tình trạng bồi lấp khiến tàu cá ra- vào khó khăn.

“Lâu nay luồng sông Phú Thọ cạn, cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra, vào khai thác hải sản rất khó khăn, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con”- ngư dân Trương Hoài Phong (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) phản ánh.

Ông Phong cũng là một ngư dân kỳ cựu, gắn bó lâu năm với nghề khai thác hải sản. Tình trạng cửa biển bị bồi lấp, luồng sông cạn khiến ông cùng nhiều ngư dân khác phải neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa hoặc các tỉnh bạn, gây khó khăn cho quản lý tài sản.

Đối với ngư dân, “thuyền là nhà”, nhưng nay thuyền lại phải gửi ở xa cho nên họ luôn trong tình trạng bất an lo sợ tài sản (tàu thuyền) trị giá mấy tỷ đồng bị mất cắp, hư hỏng.

Tàu muốn ra- vào cửa biển Cổ Lũy phải canh lúc nước lớn.
Tàu muốn ra- vào cửa biển Cổ Lũy phải canh lúc nước lớn.

“Nghĩa An hiện có khoảng hơn 300 tàu cá công suất lớn phải ly hương, không thể về neo đậu gần nhà. Chúng tôi mong muốn tỉnh sớm bố trí kinh phí nạo vét thông luồng cửa biển Cổ Lũy và sớm triển khai giai đoạn 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra, vào cửa biển khai thác thủy sản”- ông Phong kiến nghị.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công cho biết, trước năm 2015, cửa biển và lòng sông thông thoáng, bà con làm ăn rất hiệu quả. Nếu có đi khai thác ở xa thì Tết cũng sẽ đưa tàu trở về. Giai đoạn sau năm 2015, tình trạng bồi lấp đã khiến nhiều tàu thuyền vắng mặt địa phương trong suốt thời gian dài.

Tàu trở về neo đậu ở cửa Cổ Lũy là những tàu nhỏ, công suất thấp.
Tàu trở về neo đậu ở cửa Cổ Lũy là những tàu nhỏ, công suất thấp.

“Hiện giờ cửa biển cạn, lòng sông từ thôn Phổ Trường đến thôn Tân Thạnh bị bồi lấp nên tàu 400CV trở lên không trở về xã mà neo đậu luôn ở nơi khác; tàu dưới 300 CV phải thường xuyên canh nước để ra- vào. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề cá không riêng của Nghĩa An mà cả xã Nghĩa Phú ở lân cận”- bà Công nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, ngư nghiệp là ngành nghề chủ yếu của địa phương. Toàn xã có hơn 700 tàu công suất trên 90CV; tỷ lệ người dân sống bằng ngư nghiệp khoảng 80%.

Cửa Cổ Lũy bị bồi lấp không chỉ gây khó khăn cho các ngư dân mà các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại bến sông Phú Thọ cũng vì thế hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, nhiều lao động bị mất việc.

Những hộ kinh doanh xăng dầu và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Nghĩa Phú gặp khó khăn bởi tình trạng cửa biển bị bồi lấp.
Những hộ kinh doanh xăng dầu và cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã Nghĩa Phú gặp khó khăn bởi tình trạng cửa biển bị bồi lấp.

Dọc theo sông Phú Thọ, đoạn qua xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi) từng có một bến cá sầm uất. Thế nhưng, sau khi cửa Cổ Lũy bị bồi lấp, các tàu cá, đặc biệt là tàu cá có công suất lớn khó có thể ra- vào. Vì vậy, mặc dù có cửa biển nhưng hầu hết các tàu cá của ngư dân phải vào cửa biển khác để bán thủy sản, tiếp nhiên liệu, neo trú tàu thuyền.

Cần thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng, ngoài các nguyên nhân bồi lấp theo quy luật tự nhiên của các cửa vùng cửa sông, ven biển, ở cửa biển Cổ Lũy còn có nguyên nhân do các năm gần đây không có những trận lũ lớn trên sông chính là Trà Khúc và sông Vệ. Vì vậy, không thể phá vỡ, cuốn trôi cồn cát bồi tụ.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bồi lấp ở Cổ Lũy.
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng bồi lấp ở Cổ Lũy.

“Giải pháp đưa ra là cần nạo vét hàng năm mới đảm bảo duy trì được luồng cho tàu ra -vào thuận lợi, nhất là vào mùa mưa bão để các phương tiện khai thác hải sản có nơi tránh trú kịp thời”- ông Hùng cho hay.

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trên địa bàn tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng một số công trình cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền.

Đến nay, hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và 3 cảng neo trú tàu thuyền ở xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), huyện Lý Sơn và Mỹ Á (thị xã Đức Phổ).

Ngư dân cập cảng cá Tịnh Kỳ để bán cho thương lái.
Ngư dân cập cảng cá Tịnh Kỳ để bán cho thương lái.

Những công trình này mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của bà con ngư dân trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, 3 khu neo đậu nói trên chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh. Vì vậy, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phải neo đậu tại bến tư nhân hoặc dọc theo các dòng sông. 

Đồng thời, hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên rất nhiều tàu thuyền công suất lớn của tỉnh Quảng Ngãi sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh kém phát triển. 

Để phát huy hiệu quả hoạt động các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, Sở NN&PTNT đã kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện các cảng cá và khu neo đậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo quy hoạch.

Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân Quảng Ngãi.