Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quất cảnh thất thu vì nắng hạn

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 đang cận kề, nhưng nhiều bà con nông dân trồng quất phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) đang thấp thỏm với nỗi lo thời tiết.

Viễn cảnh thất thu đang hiển hiện đối với không ít hộ trồng quất nơi đây.
Tưới cả ngày không bằng một trận mưa
Chị Hồi - chủ vườn quất Mạch Hồi, tổ 16, cụm 3 phường Tứ Liên vừa kéo dây nước, tưới tắm cho diện tích hơn 1,5 sào với trên 200 gốc quất của gia đình cho biết, thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt là ít mưa đã ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng, phát triển của vườn quất. Mấy hôm trước, gia đình vừa phải cắt bỏ khoảng 15 gốc quất. Cùng với số quất bị mất mát, nắng hạn cũng khiến lá cây kém tươi, vỏ quất không được căng tròn, bắt mắt…

Nhiều gốc quất chết, bị chặt bỏ vứt ven đường đê quai phường Tứ Liên. Ảnh: Lâm Nguyễn

Thế nhưng, gia đình chị Hồi vẫn được xem là may mắn khi số lượng gốc quất phải cắt bỏ khá ít. Bởi trong khi vườn quất của hàng xóm xum xuê lá cành, quả mọc trĩu cành thì vườn quất của anh Nguyễn Văn Tuấn, đường đê quai phường Tứ Liên lại bị chết đến gần 1/3. “Những quả chín vàng, lá chuyển màu cũng sắp chết cả rồi. Năm trước, thời điểm này, khách đến đặt mua gần hết. Năm nay thì chẳng còn gì để bán nữa” - anh Tuấn ngậm ngùi. Gia đình anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng thu mua, chăm sóc khoảng 200 gốc quất. Với diễn biến thời tiết hiện nay, vườn quất của gia đình anh chắc chắn sẽ lỗ nặng.
Theo chia sẻ của nhiều chủ vườn quất phường Tứ Liên, nếu như những tháng cận Tết một vài năm trước, trời thường có mưa thì năm nay thời tiết nắng nóng, khô hạn bất thường. Việc không có mưa suốt nhiều tháng qua khiến quất bị héo rũ, chín sớm. Khi được hỏi vì sao không tưới nước, hay do bị thiếu nước, một chủ vườn quất buồn rầu cho biết, tưới nước cả ngày cũng không bằng một trận mưa. Mà tưới nhiều, cây rất dễ bị úng ngập, thối rễ. Đi qua vùng quất phường Tứ Liên, không quá khó để nhận thấy những gốc quất bị cắt, vứt bỏ ven đường. Nhiều hộ dân nơi đây có lẽ không mong gì hơn một trận mưa để giải hạn cơn khát cho diện tích quất mà họ đã đổ mồ hôi, công sức chăm sóc suốt một năm qua.
Đất ngày một suy thoái
Những tưởng việc một số diện tích quất bị chết sẽ giúp giá quất tăng cao hơn, nhưng theo chia sẻ của chị Hiền - chủ vườn quất Trường Hiền đường đê quai phường Tứ Liên, giá bán sẽ không dao động nhiều. Sở dĩ vậy bởi khách hàng tới thuê, mua có một tỷ lệ khá lớn là khách quen. Giá bán bởi vậy không thể muốn tăng là tăng được! Thêm nữa, giá bán quất cảnh còn phụ thuộc nhiều vào hiện trạng nền kinh tế nói chung, cũng như thị hiếu của người dân. 
Bên cạnh thời tiết, nhiều nông dân trồng quất phường Tứ Liên chia sẻ, họ rất lo lắng trước sự suy thoái ngày một nghiêm trọng của đất sản xuất và chất lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Thực tế, sau một quá trình dài canh tác, nhiều diện tích đất nông nghiệp nói chung đang có dấu hiệu suy thoái. Năng suất năm sau thường không cao bằng năm trước trên cùng một diện tích. Như chị Hồi cho rằng, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện nay cũng là vấn đề mà người dân rất quan tâm. “Ra chợ mua thuốc về phun cũng không làm sao phân biệt được thuốc thật hay thuốc giả…” - chị Hồi cho biết. 
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, một số hộ đã chuyển sang trồng rau màu thay thế. Đi dọc đường đê quai qua những vườn quất phường Tứ Liên, thấy xen lẫn cả những luống rau xanh mướt. Phần lớn các hộ nơi đây vẫn duy trì việc trồng quất, tuy nhiên thay vì trồng dưới đất, họ chuyển quất vào trồng trong chậu, bình, lọ. Theo chủ vườn quất Trung Phượng, tổ 16 cụm 3 phường Tứ Liên, từ 2 - 3 năm qua, gia đình chủ yếu trồng quất trong chậu, bình, lọ. Chi phí đầu tư cao hơn, công chăm sóc cũng vất vả hơn, tuy nhiên nỗi lo thời tiết được giảm thiểu đáng kể. Đó cũng là cách để giảm bớt gánh lo phụ thuộc thời tiết ngày một bất thường.