Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội khóa tới sẽ bầu lại các chức danh lãnh đạo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội Khóa XIV sẽ thực hiện việc kiện toàn tất cả các chức danh Nhà nước khóa mới".

Sáng nay (12/4), Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã họp báo thông tin về kết quả kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Quốc hội khóa tới sẽ bầu lại các chức danh lãnh đạo - Ảnh 1
Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.
Thông tin về kết quả kỳ họp, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông cho biết: Quốc hội đã thông qua 7 luật, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp, góp phần hoàn thành cơ bản Chương trình xây dựng luật, pháp luật của toàn khóa XIII, hoàn thành hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện công tác công khai, minh bạch, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu hội nhập. “Như vậy, toàn khóa XIII, Quốc hội đã thông qua 107 đạo luật”, ông Thông cho biết.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kết hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 - 2020. Quốc hội yêu cầu định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước.

Ông Lê Minh Thông cũng cho biết: Chương trình trọng tâm của kỳ họp là xem xét, quyết định về công tác nhân sự. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Chủ tịch Quốc hội, 7 Ủy viên UBTV Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn về danh sách 2 Phó Chủ tịch và 13 Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia và danh sách 1 Phó Chủ tịch và 3 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh. 

“Nhân sự được bầu hoặc phê chuẩn đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở, trải qua các cương vị khác  nhau, có kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời có số lượng và cơ cấu hợp lý, có sự tiếp nối, kế thừa kinh nghiệm hoạt động thực hiện của các khóa trước và phù hợp với xu hướng phát triển đất nước”, Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông nhận xét.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, việc kiện toàn nhân sự không phải là việc bị động, đều có thông báo từ cơ quan cấp trên về công tác nhân sự và thực hiện đúng theo quy trình miễn, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước. “Việc có thành tiền lệ không? Trong quá trình vừa qua, có nhiệm kỳ kiện toàn chức danh lãnh đạo Đảng, nhà nước vào kỳ cuối nhiệm kỳ. Tùy theo thời điểm Đại hội và bầu cử xa nhau thì cần kiện toàn để đảm bảo việc Nghị quyết đưa vào cuộc sống”, ông Phúc cho biết.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc vì sao không miễm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Vì không có chuyện Chủ tịch kiêm Phó Chủ tịch nên không có miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch. Với trường hợp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy.

“Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội Khóa XIV sẽ thực hiện việc kiện toàn tất cả các chức danh Nhà nước khóa mới. Và 4 chức danh Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC sau khi được bầu cũng thực hiện lễ tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.