Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội nghe báo cáo về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành, đồng thời Dự án Luật cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên - Ảnh: Quochoi.vn
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên - Ảnh: Quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 6/6, Quốc hội nghe báo cáo về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Kỳ vọng khắc phục bất cập của hệ thống pháp luật

Về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Dự án Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”; thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, Dự án Luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần; 11 chương, được xây dựng theo việc thực hiện chủ trương của Đảng về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 6/6
Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 6/6

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành (như: hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành; các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định nhưng thiếu tính khả thi; thủ tục tố tụng hình sự chưa thực sự thân thiện...). Hiện pháp luật về tư pháp người chưa thành niên được quy định ở nhiều đạo luật, phần lớn chỉ điều chỉnh các quy định vốn được áp dụng cho người trưởng thành để áp dụng với người chưa thành niên, nên không hiệu quả, gây khó khăn khi áp dụng.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm người chưa thành niên; tuân thủ các chuẩn mực của quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Liên Hợp Quốc về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra

Hoàn thiện pháp luật đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn

Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc xây dựng dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội; xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; tăng cường trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức hữu quan hỗ trợ, giám sát, giáo dục người chưa thành niên; tăng cường cơ hội tái hòa nhập công đồng...

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Dự án Luật điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; thủ tục tố tụng thân thiện; thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 6/6
Quang cảnh phiên làm việc chiều 6/6

Việc xác định phạm vi như trên để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa Chỉ thị của Bộ Chính trị về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”; phù hợp với cách tiếp cận mới của Quốc hội về xây dựng pháp luật; bảo đảm hình thành một đạo luật chuyên biệt, toàn diện đối với người chưa thành niên; phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã có Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đánh giá tác động đầy đủ hơn với một số chính sách mới

Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của TAND tối cao.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị TAND tối cao tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong Dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật: Theo quy định tại Điều 1 Dự thảo Luật thì phạm vi điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 6/6
Đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 6/6

Ủy ban Tư pháp có 2 loại ý kiến: thứ nhất, đa số ý kiến tán thành dự thảo Luật quy định về (hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên); thứ hai, có một số ý kiến đề nghị không quy định (hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên) trong Dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, việc quy định phạm vi điều chỉnh về tư pháp hình sự với 5 nội dung như Điều 1 dự thảo Luật là bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, khuyến nghị của quốc tế về xây dựng hệ thống pháp luật tư pháp người chưa thành niên.

Về các quy định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành các quy định của Dự thảo Luật. Quy định này phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, nhất là thể chế hóa yêu cầu tại Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 28/12/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.

Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành 12 biện pháp xử lý chuyển hướng và việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp như Dự thảo Luật, tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ biện pháp bồi thường thiệt hại; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý là biện pháp xử lý chuyển hướng hay là nghĩa vụ mà người chưa thành niên phải thực hiện.