Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (7/6), Quốc hội đã ngheo báo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo.

Trong nhiều năm qua, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo đã từng bước được thể chế hóa thông qua việc xây dựng pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu và chính sách cụ thể với phương châm mang tính nguyên tắc đó là “kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội”, “thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc, giữa các tầng lớp dân cư”.
Quốc hội thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo - Ảnh 1
Với quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002, kết quả này đã tạo nền tảng quan trọng cho quá trình tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia.

Giai đoạn 2005-2012, sau nhiều năm nền kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện, Việt Nam đã bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Mặc dù, từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế chịu tác động của suy thoái kinh tế, một số năm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, trong đó có người nghèo, song thành tựu về giảm nghèo của Việt Nam vẫn được khẳng định qua kết quả của các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá và ghi nhận trên tất cả các khía cạnh và tiêu chí.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đã bước sang giai đoạn mới, chuẩn nghèo thay đổi 2 lần đã tạo điều kiện nâng cao mức sống của hộ nghèo; cơ bản không còn tình trạng hộ thiếu đói kinh niên; tình trạng nghèo đã chuyển từ diện rộng trong phạm vi cả nước sang tập trung ở một số vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, trong một số nhóm dân cư; chính sách giảm nghèo đã hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo và chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010; tại 62 huyện nghèo đã giảm từ 58,33% năm 2010 xuống 43,89% năm 2012, tại 7 huyện nghèo đã giảm từ 43,56% năm 2011 xuống 30,13% năm 2012 và tại 23 huyện nghèo cuối năm 2012 tỷ lệ nghèo là 43,14%.

Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005-2012 tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ năm 2005-2012, có khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo; hỗ trợ đầu tư 468 cơ sở đào tào nghề, qua đó khoảng 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, đạt 100% kế hoạch, 60% số lao động này đã tự tạo việc làm hoặc tự tìm được việc; Đến năm 2012, 100% người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được mua thẻ bảo hiểm y tế, khoảng trên 15 triệu người; Từ năm 2005-2010, có khoảng 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí, đào tạo 12.812 học sinh theo chính sách cử tuyển; Xây dựng 8.500 mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ với ba triệu lượt người nghèo tham gia; tổ chức 30.000 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật; 3,7 triệu lượt người nghèo được hướng dẫn cách làm ăn. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã được triển khai nhân rộng ở 218 xã thuộc 35 tỉnh, tổng số hộ tham gia mô hình là 27.566 hộ, trong đó 77% là hộ nghèo, sau mỗi năm thực hiện mô hình, số hộ nghèo tham gia mô hình đã tăng thêm 15% ngày công làm việc, thu nhập của hộ tăng từ 20-25% và 15% số hộ nghèo tham gia mô hình đã thoát nghèo.

Kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này, đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức đó là: Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Một số địa phương có tỷ lệ nghèo giảm nhưng cận nghèo tăng chưa có giải pháp khắc phục. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng thế giới và Tổng cục thống kê cho thấy hệ số chênh lệch này đã tăng đều từ 8,1 (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012).

Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã 135 tỉ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% (cá biệt có nơi trên 50%, thậm chí trên 60%-70%) và có khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo (trong khi cả nước có hơn 1,4 triệu hộ cận nghèo); thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn nhiều hạn chế.

Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu. Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội đang gia tăng…