Theo kết quả giám sát, số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 đến năm 2010 các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý 1.219.625 đơn thư khiếu nại, tố cáo trong đó đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm chiếm 69,79%. Riêng từ năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư.
Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28% và sai chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%, có đúng có sai chiếm 29,6% và sai chiếm 54,2%. Các Bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra, rà soát, giải quyết 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài và đến 15/10/2012 đã kiểm tra, rà soát được 486/528 vụ việc, đạt 92%.
Nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm khoảng 70%; về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm khoảng 20%; về cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm khoảng 10%. Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại Tòa án thì tỷ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5%. Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót.
Nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cao tăng, ngoài nguyên nhân về chính sách, giá đất..., báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân do một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực này, một số cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che đối với cán bộ sai phạm.
Qua công tác thanh tra từ năm 2003 đến năm 2011 đã phát hiện và xử lý trả lại cho công dân 1.850 tỷ đồng, 4.817,8 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.921 công dân; kiến nghị xử lý hành chính 6.650 người; chuyển cơ quan điều tra 380 vụ với 665 đối tượng.
UBTVQH đã đưa ra nhiều kiến nghị để giải quyết thực trạng khiếu nại tố cáo tăng, trong đó có sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo, giải quyết tranh chấp của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định hiện còn mang tính nguyên tắc, đặc biệt là những vấn đề đã áp dụng ổn định trong thực tiễn. Quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước.
Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Người sử dụng đất có nghĩa vụ chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước và được bồi thường. Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư. Sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15%-20%).
Đồng thời đề xuất các ngành, địa phương chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong phạm vi quản lý của mình để kịp thời giải quyết ngay, hạn chế khiếu nại vượt cấp, không để xảy ra diễn biến phức tạp trở thành vụ việc khiếu kiện đông người; từ nay đến cuối năm 2012, tập trung giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài.