Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc tế ghi nhận bước tiến về nhân quyền của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều điểm mới trong các Bộ luật theo hướng tôn trọng, bảo vệ quyền con người đã được Quốc hội thông qua, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc cải cách tư pháp và lập pháp tại Việt Nam.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), cho phép cá nhân chuyển đổi giới tính, xác định lại giới tính và có quyền nhân thân như thay đổi tên và giới tính, phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng “thiếu hụt” quyền nhân thân của những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trước đây do luật không quy định. Bên cạnh đó, các thay đổi mới nhất của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) như hạn chế áp dụng hình phạt tù, tăng hình phạt tiền và các hình phạt cải tạo không giam giữ cũng được đánh giá là những bước cải thiện trong lĩnh vực lập pháp nhằm bảo vệ quyền con người.

Nhân ngày Quốc tế về Nhân quyền (10/12), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã ghi lại những đánh giá về thành tựu trong lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam trong thời gian qua. 
Ấn tượng với các quyết định của Quốc hội Việt Nam
Quốc tế ghi nhận bước tiến về nhân quyền của Việt Nam - Ảnh 1Chúng tôi rất ấn tượng với các quyết định của Quốc hội Việt Nam trong kỳ làm việc vừa rồi. Những thay đổi tích cực đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh quyền con người, đặc biệt là quyền của người đồng tính và chuyển giới theo hướng đảm bảo quyền bình đẳng về kết hôn cũng như thể chế luật pháp liên quan đến người đồng tính.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhấn mạnh việc giáo dục pháp luật đối với cộng đồng. Điều này giúp người dân ở các quốc gia, bao gồm cả Ireland và Việt Nam hiểu rõ quyền lợi hợp pháp cũng như các nghĩa vụ bắt buộc được quy định trong luật của mình. Đây cũng là bước quan trọng để người dân có thể tiếp cận công lý, và giúp các quy định áp dụng hiệu quả hơn vào thực tế.
Cáit Moran - Đại sứ Ireland tại Việt Nam

Tiến nhanh nhất khu vực
Quốc tế ghi nhận bước tiến về nhân quyền của Việt Nam - Ảnh 2Đại sứ quán Canada đã quan sát vấn đề này rất kỹ càng và nhận thấy rằng việc cải thiện các quyền cho nhóm LGBT tiến triển rất nhanh tại Việt Nam. Việc Việt Nam pháp lý hóa quyền cơ bản là quyền phẫu thuật chuyển giới và bỏ quy định cấm kết hôn đồng tính, có lẽ là sớm nhất trong các nước ở châu Á.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi vẫn chúc mừng Việt Nam vì các quyết định này được thực hiện trong thời gian tương đối ngắn.
Theo quan sát của chúng tôi, một số mặt trong lĩnh vực nhân quyền đã được cải thiện. Nhưng chúng ta cũng cần kiểm tra và tái kiểm tra trong quá trình thực thi các luật vì điều quan trọng vẫn là việc áp dụng các điều luật vào cuộc sống. Bên cạnh đó, để các điều luật được thực thi có hiệu quả như kỳ vọng thì người dân phải có quyền đưa ra ý kiến với Chính phủ, được tham gia các cuộc đối thoại chính sách trong bối cảnh đầy đủ.
Ông David Devine - Đại sứ Canada tại Việt Nam

Tín hiệu tốt về tiến triển luật pháp
Quốc tế ghi nhận bước tiến về nhân quyền của Việt Nam - Ảnh 3Bất kỳ một sự cải cách về pháp luật mà hỗ trợ, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đều được hoan nghênh. Vì vậy, chúng tôi rất vui mừng trước quá trình cải cách và lập pháp trong các vấn đề quyền con người của Việt Nam. Tôi thấy đây là một tín hiệu tốt cho việc tiến triển về luật pháp.
Tuy nhiên, UNDP cũng lưu ý rằng, việc bổ trợ giữa các luật là rất quan trọng, vì vậy khi lập pháp cần đảm bảo kiểm tra luật này không đi ngược lại luật khác.
Trong quá trình lập pháp, chúng tôi cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các tổ chức xã hội và truyền thông trong việc giám sát việc thi hành các đạo luật. Cần phải thừa nhận rằng, Việt Nam có các điều luật rất tốt, rất tiến bộ nhưng việc thi hành vẫn còn nhiều hạn chế. Để thực thi tốt pháp luật, người dân cần phải biết về các điều luật, không chỉ về các luật đã được Quốc hội thông qua mà về các thay đổi của luật, và sự thay đổi đó làm lợi cho cộng đồng như thế nào. Chính phủ không thể làm việc này một mình mà cần có vai trò thông tin của truyền thông và các tổ chức xã hội.
Pratibha Mehta - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam