Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môt số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, thời hạn người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp sẽ được kéo dài từ 7 ngày lên 3 tháng.

Cụ thể, tại Nghị định 127/2008/NĐ-CP, thời hạn đăng ký bảo hiểm thất nghiệp là trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến cơ quan lao động để đăng ký.

Tại quy định mới, thời hạn này được kéo dài đến 3 tháng. Cụ thể: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động.

Cũng theo quy định, hằng tháng, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.

Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp

Về điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 81 Luật bảo hiểm xã hội, Nghị định 127/2008/NĐ-CP quy định 3 điều kiện: Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định.

Quy định mới về cơ bản giữ nguyên 3 điều kiện trên nhưng hướng dẫn cụ thể hơn về tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Cụ thể, tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó.

Giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP, sau khi người lao nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Tại Nghị định mới, việc giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định cụ thể hơn về trình tự: Trong thời hạn 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, người lao động phải trực tiếp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan lao động nơi người lao động đăng ký thất nghiệp hoặc cơ quan lao động nơi chuyển đến để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan lao động có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, cơ quan lao động có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần cho người lao động. Trường hợp, cơ quan Bảo hiểm xã hội không thực hiện việc chi trả theo đúng thời hạn quy định hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan Bảo hiểm xã hội phải có văn bản thông báo cho cơ quan lao động và người lao động biết và nêu rõ lý do.

Quy định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2013.