Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một trong nhiều nội dung được thảo luận sôi nổi tại phiên họp toàn thể thứ 16 của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội sáng nay (19/8), khi Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên làm việc.

Báo cáo Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày cho biết: Dự thảo Luật bao gồm 8 chương, 45 điều cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về các thiết chế tổ chức quyền lực nhà nước và khắc phục những tồn tại của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001.

Dự thảo Luật quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thành viên Chính phủ; về nguyên tắc tổ chức và hoạt động; về chế định Thủ tướng Chính phủ; về Bộ trưởng và bộ, cơ quan ngang bộ…

 
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm – một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng bộ máy hành pháp.  Ảnh: VPQH
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm – một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng bộ máy hành pháp. Ảnh: VPQH
Về phân cấp giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, Ban soạn thảo đề nghị quy định rõ những nhiệm vụ không phân cấp như thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để bảo đảm sự thống nhất, thông suốt nền hành chính quốc gia và những nhiệm vụ các thể phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện và khả năng của chính quyền địa phương.

Thảo luận về Dự thảo luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đặt câu hỏi: “Các quy định trong dự thảo có cần thiết tỉ mỉ tới mức Chính phủ phải lo từ cái kim sợi chỉ cho nhân dân không? Vai trò của Bộ trưởng cũng chưa rõ, việc gì cũng phải xin ý kiến Phó thủ tướng. Vai trò, mối quan hệ giữa bộ trưởng và Chính phủ ra sao, cách đặt vấn đề của dự thảo luật đã phù hợp chưa? Quy định về Chính phủ cũng chưa đầy đủ, trách nhiệm không rõ ràng”.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo luật cụ thể hoá điều 2 của Hiến pháp song cần làm rõ hơn vấn đề kiểm soát quyền lực giữa khối lập pháp và tư pháp.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc băn khoăn về quy định liên quan tới Văn phòng Chính phủ. Còn theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, Dự thảo Luật phải tạo sự gắn kết giữa Quốc hội và Chính phủ. Chính phủ do Quốc hội thành lập. Hiến pháp lần này khẳng định Chính phủ làm việc theo tập thể, quyết định theo nguyên tắc đa số. Dự thảo luật quy định như hiện nay nhiều điểm chưa đúng Hiến pháp, không phải cái gì cũng trình lên Thủ tướng. Cũng theo ông Thuận, cần xem lại vấn đề “bộ trưởng không bộ”. Theo dự thảo luật, tư duy  quản lý Nhà nước còn phân tán. Ví dụ quản lý các hội là do Bộ Nội vụ nhưng dự thảo luật quy định còn phân tán việc quản lý về các ngành, các bộ khác dẫn đến việc quản lý còn chồng chéo. Ông Thuận cũng kiến nghị phải quy định minh bạch hơn trách nhiệm của các bộ. Trên tinh thần đó, nên bỏ những thông tư liên tịch vì nó không phù hợp với một nền hành pháp hiện đại.

Theo chương trình, dự thảo Luật Tổ chức chính phủ sửa đổi sẽ trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tới đây.