Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định rõ trách nhiệm người quyết định đầu tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủng hộ chủ trương cần xây dựng sửa đổi Luật Đầu tư công, phiên thảo luận tại tổ chiều 18/11, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị cần phải chặt chẽ, cụ thể và sớm ban hành.

Nên phân biệt rõ và...

Ủng hộ dự án Luật nhưng ĐB Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật cần quy định rõ khái niệm. "Thứ nhất là luật điều chỉnh đầu tư của Nhà nước (NN) hay nguồn vốn của NN, vì hai điều này là khác nhau". Nếu quy định ở cả hai thì Quốc hội còn nợ Luật về quản lý kinh doanh vốn NN, và mảng đầu tư vào tập đoàn, Tổng Công ty thì hiện chưa có luật. Quan điểm của ông Lịch là Luật phải quản lý toàn bộ dòng vốn của NN hoặc nguồn ngân sách NN không phân biệt đó là ai, kể cả vốn vay của ngân hàng... nếu sử dụng là bị chi phối. 

 
 Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.     Ảnh: TTXVN
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TTXVN

Cho rằng, tham nhũng ở đầu tư công rất nhiều nên phải điều chỉnh toàn diện, ĐB Võ Thị Dung (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị nguyên tắc đầu tư công phải sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, vốn tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí. 

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) chia sẻ, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu nói thì rất dễ dàng, nhưng với cơ chế quyết định tập thể hiện nay, không dễ gì xác định được trách nhiệm cá nhân, cái gì được thì người đứng đầu được khen, còn cái gì yếu kém lại đổ lỗi cho tập thể. Trong Dự thảo Luật vẫn quy định chung chung. Vì vậy, cần đưa được cụ thể trách nhiệm người đứng đầu, luật cần quy định thống nhất việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công từ khâu xác định chủ trương đầu tư; phê duyệt dự án... cho đến khâu thi công... "Luật Đầu tư công còn phải tính đến tương quan với Luật Đấu thầu, nếu dự toán đầu tư 100 tỷ đồng nhưng đấu thầu vọt lên 200, 300 tỷ đồng thì sao? Quan trọng hơn là lấy tiền ở đâu ra để trả cho phần đầu tư này, ai chịu trách nhiệm?... trong mỗi giai đoạn, phải ràng buộc, quy kết trách nhiệm cho cá nhân người ra quyết định đầu tư dự án"- ĐB Bùi Thị An nói.

... sớm ban hành luật

Kỳ vọng có được Luật Đầu tư công để vấn đề luật hóa hoạt động đầu tư công theo hướng siết hơn, đến nay, Bộ KH&ĐT trình dự thảo với mục tiêu có được sự đổi mới về thể chế, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công hiệu quả hơn. Mặc dù đây là một dự luật đã nhiều lần trì hoãn từ cơ quan dự thảo nhưng chưa có biểu quyết thông qua tại kỳ họp này. Điều này cũng có nghĩa là lĩnh vực đầu tư công, một trong 3 "trụ cột" tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 vẫn chưa có luật điều chỉnh.

Theo ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội), trong điều kiện bội chi ngân sách (NS) tăng, cũng như đều nhắm đến nguồn tiền NS nhưng lại được giao phó cho nhiều cấp; nhiều ngành… nên khó có thể dễ dàng minh bạch một cách tự giác nếu không được luật chế định. Với kỳ vọng là một đạo Luật giải quyết được tận gốc các bất cập về đầu tư công một cách toàn diện, các ĐB cho rằng không nên chần chừ với quyết sách của luật này vì một khi Luật Đầu tư công vẫn chưa được ban hành thì nguồn tiền NS sẽ còn khó tránh bị sử dụng lãng phí, thất thoát và tiếp tục làm mất cân đối tài chính quốc gia…
 
Góp ý về Dự thảo Luật Phá sản, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định thật rõ ràng, cụ thể tiêu chí "không có khả năng thanh toán", "các khoản nợ đến hạn" và "lâm vào tình trạng phá sản". Luật Phá sản cần bổ sung quy định về việc áp dụng "thủ tục phá sản rút gọn" trong một số trường hợp nhất định. So với thủ tục phá sản của các nước trên thế giới thì thủ tục phá sản ở Việt Nam còn rườm rà, phức tạp và gây tâm lý e ngại cho các DN vừa và nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.