Bảo vệ quyền dân sự
Một trong những nội dung của Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được nhiều ý kiến quan tâm liên quan đến việc xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự. Theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng được áp dụng để xem xét, giải quyết. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, theo nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để bảo vệ mọi quyền dân sự của cá nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý bày tỏ đồng tình cao với quy định trên. Tuy nhiên, Tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định tập quán để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các
văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong Bộ luật Dân sự làm căn cứ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Quyền chiếm hữu - một chế định mới cũng đã được bổ sung vào Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), được hiểu là "tình trạng pháp lý về việc cá nhân, pháp nhân nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp". Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: "Quy định này sẽ góp phần bảo đảm trật tự xã hội, sự ổn định của giao dịch, giá trị kinh tế của tài sản, sự thiện chí trong quan hệ dân sự". Thẩm tra Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án rà soát kỹ các quy định để bảo đảm phù hợp với Cương lĩnh và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế. Theo kế hoạch, sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu (ngày 13/11), Chính phủ sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 3/2015.
Tạo điều kiện để Tòa án phán quyết đúng luật
Thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Dự án Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), nhiều ý kiến đồng tình với quy định Tòa án có thẩm quyền chủ trì phối hợp với VKS xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ nếu thấy cần thiết. ĐB Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) cho rằng: Cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của VKS khi thực hiện yêu cầu của Tòa án. Có như vậy mới tạo điều kiện để Tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do Cơ quan điều tra, VKS thực hiện.
Một trong những vấn đề mà nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn là việc Tòa án là cơ quan được giao quyền xét xử, các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng các quyết định của Tòa án là điều đương nhiên nên không cần phải quy định trong luật. ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đề nghị làm rõ quy định tiêu chuẩn thẩm phán, bởi chỉ ghi "phải có hiểu biết xã hội" là chung chung nên khi xem xét bổ nhiệm thẩm phán rất khó. ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cũng đưa ra thực trạng gần đây đã có những tiêu cực trong cơ quan xét xử, cho nên tiêu chuẩn của thẩm phán rất quan trọng. Hiện đã có những yêu cầu về đào tạo bồi dưỡng chuyên môn của thẩm phán nhưng đây mới chỉ là yêu cầu. Quan trọng là đào tạo, nâng cao phẩm chất đạo đức của thẩm phán, như vậy mới đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của Nhân dân và để các tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng (từ hình sự, dân sự đến hành chính, hôn nhân gia đình) tin tưởng. "Dự Luật quy định trong trường hợp đặc biệt thì TAND tối cao được phong người chưa là thẩm phán lên thẳng thẩm phán cao cấp. Tôi nghĩ rằng, chúng ta hơi chủ quan. Nghề nghiệp của thẩm phán phải có quá trình, có kinh nghiệm từ xét xử sơ cấp, những vụ án, vụ việc chưa nghiêm trọng mới đến nghiêm trọng được. Đòi hỏi đối với thẩm phán cao cấp rất cao"- ĐB Chu Sơn Hà nhận xét.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
|
Viện Kiểm sát Nhân dân không chỉ thực hành quyền công tố mà còn kiểm soát hoạt động tư pháp, đây là nội dung quan trọng làm cơ sở cho quy định về quyền tố tụng. Chính vì vậy, chức năng công tố phải được thực hành ngay từ khi có tin báo tố giác tội phạm và khi có tội phạm xảy ra, để tránh oan sai, bức cung, nhục hình. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) |