Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định về thuế không thể mơ hồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Đánh giá sâu hơn tác động đến đời sống

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc sửa đổi, bổ sung Dự Luật này để phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây. Do đó, nội dung sửa đổi khá toàn diện… Tuy nhiên, Dự Luật lại có quá nhiều điều, khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quy định chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. 	Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Thảo luận về Dự án Luật, các thành viên UBTV Quốc hội cho rằng, cần rà soát để quy định cụ thể và chi tiết ngay trong Luật, bởi theo quy định của Hiến pháp 2013, Quốc hội có thẩm quyền quyết định về các loại thuế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chúng ta còn để ngoài luật. Việc để ngoài luật, giao hoặc cho UBTV Quốc hội hoặc cho Chính phủ, thậm chí giao cho Bộ là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp”.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị: Ban soạn thảo cần đánh giá sâu sắc hơn tác động của luật thuế này tới đời sống xã hội. Giảm thuế để các mặt hàng nhập khẩu vào tự do hơn thì người dân sẽ được hưởng lợi, nhưng ngược lại đối với một số ngành như chăn nuôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. “Cần có đánh giá tác động đầy đủ hơn và Chính phủ cần cho biết đã có giải pháp gì để ứng phó với những khó khăn này” - bà Mai nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh quy định về thuế phải cụ thể chứ không thể mơ hồ, định tính và đề nghị quy định rõ hơn về thuế suất, miễn thuế. Ngoài ra, việc thay đổi chính sách thuế ảnh hưởng đến nền kinh tế nên trong điều kiện nước ta cần lưu ý đến tác động với những lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn như nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Ai có thẩm quyền quyết định miễn thuế?

Đề nghị Dự Luật phải quy định rõ ràng và minh bạch hơn về miễn thuế để trả lời được câu hỏi “miễn thuế đối với những mặt hàng nào và ai có thẩm quyền quyết định”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga dẫn quy định về hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập trong thời hạn nhất định “trên thực tế rất khó kiểm soát, dễ bị lợi dụng, lách luật, trốn thuế, gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Đề nghị Chính phủ trả lời thời gian qua, việc miễn thuế đối với những mặt hàng tạm nhập tái xuất thường bị lách luật và lợi dụng tập trung vào những mặt hàng nào?”. “Khi nghiên cứu về thất thu trong lĩnh vực xăng dầu cho thấy việc kiểm soát đường đi của xăng dầu tạm nhập tái xuất rất khó khăn. Trong 4 năm, có số liệu cho rằng đã cho tạm nhập và “bỏ quên” tái xuất đến gần 2 triệu tấn xăng dầu. Đề nghị kiểm tra lại xem có đúng là việc tạm nhập tái xuất đối với các mặt hàng lỏng như xăng dầu thời gian qua bị lách luật, tạm nhập và cho bán trong nước có gây thất thu cho ngân sách và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước không” - bà Nga nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quan tâm để có giải pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Bởi qua nhiều năm hội nhập cho thấy tỷ trọng nông nghiệp giảm nhưng tăng trưởng giảm, cạnh tranh kém. Hàng loạt dự án nước ngoài đầu tư lớn vào ô tô, máy tính, điện tử, viễn thông... nhưng bên trong không có công nghiệp phụ trợ. Dự Luật này phải tính thế nào vì hội nhập cần sức bên trong phải khoẻ. Ngoài ra trong tổng thể cải cách thuế chung thì thuế khác cũng phải tính tới.

Các ý kiến khác cũng cho rằng, phải quan tâm hơn lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản; các chính sách về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, đóng tàu xuất khẩu..., thúc đẩy nội địa hoá phải được đưa vào luật.

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Báo cáo số 348/BC-CP ngày 17/7/2015 của Chính phủ và thảo luận về kế hoạch kiểm toán năm 2016
Dự Luật ra đời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế với các quy định minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN. Đồng thời sẽ tác động về thuế, tăng thu từ thuế xuất, nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ đồng/năm, giảm thu ngân sách khoảng 800 tỷ đồng/năm. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ để điều chỉnh các chính sách thuế nội địa, đáp ứng thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo đảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng